Chướng bụng, đau quặn người phụ nữ phát hiện bị tắc ruột: Bác sĩ cảnh báo ẩn họa ăn uống

Tin y tế 17/07/2023 10:54

Tắc ruột do bã thức ăn nếu không được phát hiện trong 24 tiếng đồng hồ, nạn nhân có thể bị vỡ ruột, hoại tử mô, nhiễm trùng lan rộng, gây nhiễm độc nguy hiểm tính mạng.

Theo thông tin từ VTV News, người bệnh nữ 40 tuổi (trú tại Việt Trì, Phú Thọ) có tiền sử ung thư dạ dày, từng điều trị hóa chất một đợt rồi từ chối điều trị, chuyển sang chế độ thực dưỡng và gần đây có ăn mít mật với số lượng nhiều.

Đến rạng sáng ngày 25/6, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau quặn, bụng chướng, buồn nôn. Qua thăm khám và kết quả chụp CT ổ bụng, xác định chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn (do ăn mít).

Chướng bụng, đau quặn người phụ nữ phát hiện bị tắc ruột: Bác sĩ cảnh báo ẩn họa ăn uống - Ảnh 1
Kết quả chụp hình ảnh Cắt lớp vi tính (CT-Scan) phát hiện đoạn ruột phình to với kích thước 4,2 cm x 9,8 cm; 13,8 cm x 10,9 cm chứa nhiều bã thức ăn - Ảnh: VTV News

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định đặt sonde dạ dày, truyền dịch, dinh dưỡng hoàn toàn đường tĩnh mạch, sử dụng thuốc giúp mềm thức ăn, dễ dàng tiêu hóa kết hợp giảm đau.

Chướng bụng, đau quặn người phụ nữ phát hiện bị tắc ruột: Bác sĩ cảnh báo ẩn họa ăn uống - Ảnh 2
Khối bã thức ăn được giải phóng khỏi cơ thể của bệnh nhân - Ảnh: Báo Lao động trẻ

Chiều cùng ngày (25/6), tình trạng không có tiến triển, thức ăn cứng không vượt qua đoạn ruột bị tắc, ThS.BS Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp đã hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Sau gần 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy hoàn toàn bã thức ăn, tạo lại sự lưu thông của đường tiêu hóa.

Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định và được hồi phục điện giải, dùng kháng sinh, tập ăn lại bằng đường miệng với thức ăn, dinh dưỡng dạng lỏng và đặc dần lên trong 7 ngày tiếp theo.

Theo nguồn tin từ báo Lao động trẻ, bác sĩ Hoàng Kim Ngân - Khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) khuyến cáo: Dị vật thức ăn là những mảnh thức ăn lớn, cứng hoặc có đặc tính chát dính, chưa tiêu hóa hoàn toàn quện lại với nhau lâu ngày tạo thành khối lớn ở dạ dày hoặc tá tràng, không di chuyển được xuống ruột. Khối có thể gây tổn thương dạ dày tá tràng do cọ sát, hoặc gây tắc ruột nếu chúng xuống ruột.

Nếu có những hiện tượng như đau bụng, buồn nôn, sau khi nuốt phải mảnh thức ăn lớn cứng (măng, cọng rau già..) hoặc ăn các chất chát dính như (tam thất, nghệ mật ong, hồng xiêm, chuối xanh…) thì nên đi đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra.

Chướng bụng, đau quặn người phụ nữ phát hiện bị tắc ruột: Bác sĩ cảnh báo ẩn họa ăn uống - Ảnh 3
Nên thái thức ăn nhỏ, dưới 1cm chiều dày và 4cm chiều dài để người ăn có răng kém thì vẫn không mắc lại trong dạ dày. Đối với những món chất xơ như măng thì với người không có hoặc răng yếu nên hạn chế ăn - Ảnh: VTV News

Mít cùng với măng khô, ổi, rau muống… là những thực phẩm phổ biến với hàm lượng chất xơ cao. Do đó nếu ăn không đúng cách, chính những thực phẩm này có thể tạo bã xơ đóng đặc, gây tắc ruột và nhiều nguy cơ cho sức khoẻ. Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là người cao tuổi (sức nhai kém), người đã phẫu thuật vùng bụng (như cắt dạ dày,…) hoặc có nhu động ruột, khả năng tiêu hóa kém,…

Người dân nên sử dụng thức ăn được nấu chín, ninh nhừ; cần nhai kỹ và tránh ăn quá nhanh; hạn chế sử dụng thức ăn khó tiêu, thức ăn giàu chất xơ với lượng quá nhiều cùng một lúc, đặc biệt là khi bụng đói; uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt.

 

Sau cơn sốt đột ngột, cháu bé 2 tháng tuổi bỏ bú, bứt rứt, gia đình đưa đi khám mới phát hiện túi phình khổng lồ trong não

Bé trai hai tháng tuổi, đột nhiên sốt, bứt rứt, quấy khóc và bỏ bú, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng tỉnh, thóp phồng thì phát hiện có túi phình khổng lồ trong mạch máu não.

TIN MỚI NHẤT