Tất cả các ca mắc đậu mùa khỉ ở TP.HCM là nam giới: Có phải đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ?

Sức khỏe 27/10/2023 08:27

Tính từ đầu năm 2023 đến hết ngày 22/10, TP.HCM đã ghi nhận 33 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhân đều là nam giới.

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, tính từ đầu năm 2023 cho đến ngày 22/10, thành phố ghi nhận 33 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, được khẳng định bằng xét nghiệm PCR. Hiện đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong trên nền suy giảm miễn dịch.

Bên cạnh đó, 8 bệnh nhân đã hoàn thành 14 ngày cách ly điều trị theo quy định, các vết sang thương trên cơ thể đã khỏi hoàn toàn.

Theo bà Lê Hồng Nga, tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở TP.HCM cũng tương đồng với tình trạng bệnh trên thế giới. Theo đó, 100% bệnh nhân đậu mùa khỉ đến khám và sống tại TP.HCM đều là nam giới. Trong khi đó, trên thế giới ước tính 95% bệnh nhân là nam. Đáng chú ý, có 85% là bệnh nhân MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Tất cả các ca mắc đậu mùa khỉ ở TP.HCM là nam giới: Có phải đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ? - Ảnh 1
Phần lớn ca nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận là nam giới Ảnh: AFP.

Tại Canada, vào cuối tháng 7/2022, Tiến sĩ Theresa Tam - người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng của Canada (PHAC) cho biết, 99% số người mắc bệnh đậu mùa khỉ là nam giới và trên 36 tuổi. Hầu hết các trường hợp được báo cáo mắc bệnh ở Canada là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Tương tự, trên trang web của Cơ quan phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 25/7/2022, dựa trên 1.383 ca đậu mùa khỉ mà họ xác định được giới tính (dựa trên khai sinh) thì có 99.1% là nam. Dựa trên các thông tin về quan hệ tình dục của các nam bệnh nhân này thì có đến 99% là có quan hệ tình dục giữa nam với nam.

Chia sẻ về căn bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho biết, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam (MSM), người song giới (bisexual), người có nhiều bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su... Cùng đó bệnh này có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh này còn lây theo hình thức giọt bắn và qua dịch tiết.

Do vậy, người dân khi đã tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách ly, tránh lây cho người khác.

Tất cả các ca mắc đậu mùa khỉ ở TP.HCM là nam giới: Có phải đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ? - Ảnh 2
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ ở Brooklyn (New York, Mỹ). Ảnh: AFP.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) cho biết, hiện nay, có một số quan điểm, thành kiến với những người đồng tính nam trong xã hội. Một số ý kiến cho rằng, người đồng tính nam là nguyên nhân gây nên căn bệnh này, hoặc đậu mùa khỉ là đặc trưng của nhóm người này. Tuy nhiên, những quan điểm đó là không chính xác.

“Virus đậu mùa khỉ không chừa ai cả. Nó không phải là virus “chỉ lây qua đường tình dục” hoặc “chỉ lây trong người đồng tính nam” mà có thể lây cho bất cứ ai nếu người đó tiếp xúc trực tiếp với người đang biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ.

Nhóm người đồng tính nam (phần lớn ở châu Âu, châu Mỹ) đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch đậu mùa khỉ có thể là do thói quen sinh hoạt tình dục của họ vốn đã dễ lây lan hơn”, chuyên gia nhận định.

Theo TS Vũ, nếu sự kỳ thị xảy ra, những người nhiễm bệnh sẽ sợ hãi. Từ đó, sẽ dẫn đến xu hướng che giấu và không đến các cơ sở y tế để thăm khám bệnh.

Điều đó dẫn đến hệ lụy là việc lây truyền sẽ không bị phát hiện. Tình trạng này gây hại cho cá nhân đó, cũng như tập thể do không “tìm dấu” được bệnh trong cộng đồng. Từ đó, khó khăn ngăn chặn dịch phát triển.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Kết luận chính thức về ca nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Đà Nẵng: Là bệnh tay chân miệng

Trường hợp bệnh nhân nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng đã cho kết quả âm tính với virus gây bệnh. Bệnh nhân được xác định mắc bệnh tay chân miệng.

TIN MỚI NHẤT