Vì sao hôn nhân lần hai tỷ lệ tan vỡ cao hơn lần thứ nhất?

Phụ nữ yêu 12/02/2019 12:03

Hôn nhân lần thứ hai không còn là chuyện lạ trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên dường như chúng ta vẫn còn quá ít kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất để có hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mới là:

Đừng nên so sánh với cuộc hôn nhân trước.

Càng tệ hại hơn nếu so sánh người hôn phối bây giờ với người chồng, người vợ trước. Khi đã bắt đầu so sánh sẽ khó dừng lại được và thế nào cũng có chỗ để mà thở dài. Cho dù người mới có tốt đẹp đến đâu cũng không thể hơn người cũ về mọi mặt. Và sẽ càng tai hại hơn nếu nó không chỉ diễn ra ở trong đầu mà còn buột miệng: "Anh ấy không hút thuốc lá như anh". Hoặc: "Cô ấy không nói nhiều như cô". Ngược lại nếu bạn nói xấu người cũ cũng không hay ho gì.

Vì sao hôn nhân lần hai tỷ lệ tan vỡ cao hơn lần thứ nhất? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Trong cuộc hôn nhân lần thứ hai, người nào càng hồn nhiên bao nhiêu càng có cơ may tìm được hạnh phúc mới bấy nhiêu.

Thoát khỏi cái bóng của quá khứ

Trong cuộc hôn nhân lần thứ hai, người càng hồn nhiên bao nhiêu càng có cơ may tìm được hạnh phúc mới bấy nhiêu. Người nào hay trầm ngâm suy nghĩ về quá khứ thì người đó càng khó thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ và có khi vô tình xúc phạm người hiện tại. Khi con thuyền đã rời khỏi bến, sao cứ quay đầu nhìn lại bến cũ làm gì. Hãy nhìn về phía trước mà đi, kẻo lại va vào ghềnh đá.

Đừng để dấu ấn của người cũ vẫn còn đậm nét trong "bộ nhớ" của bạn. Điều mà người mới không thích một chút nào.

Vì sao hôn nhân lần hai tỷ lệ tan vỡ cao hơn lần thứ nhất? - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Các nhà nghiên cứu nhận thấy đàn ông lập lại gia đình dễ bị rơi vào trường hợp nhắc lại chuyện cũ hơn phụ nữ. Có lẽ vì đàn ông không giỏi bếp núc nên họ bị lệ thuộc vào cuộc sống cũ nhiều hơn và dấu ấn người vợ trước để lại trong họ đậm nét hơn? Hay vì đàn ông kém nhạy cảm hơn phụ nữ nên họ hay vô tình xúc phạm người vợ mới. Chẳng hạn: “Anh không biết thắt ca-vát, vì trước kia đi đâu toàn vợ thắt cho cả". Một câu nói vô tư như thế có thể làm người vợ mới buồn đến mấy ngày.

Trong khi phụ nữ nói chung tế nhị hơn. Họ ngại kể ra thói quen của người chồng trước, nhất là những thói quen nhạy cảm. Các thống kê cho thấy tỷ lệ phụ nữ đi bước nữa thấp hơn đàn ông nhưng tỷ lệ thành công của họ lại cao hơn.

Đừng buộc người đến sau yêu con riêng của bạn như bạn mong muốn

Dù có tế nhị đến đâu, có một "vật lưu niệm" của mối quan hệ cũ khó mà che giấu được, đó là đứa con riêng của bạn. Tất cả phụ nữ trên thế gian này đều muốn người đàn ông nào đã yêu mình thì cũng phải yêu đứa con riêng của mình như thế. Nhưng điều đó là không tưởng. Anh ấy yêu bạn chứ làm sao bạn bắt anh ấy phải yêu thằng con nghịch như quỷ hay đứa con gái cứ động tí là dỗi của bạn.

Bạn cũng thế thôi, bạn thích làm mẹ đứa con của bạn chứ chắc đâu bạn đã muốn làm mẹ cả đứa con riêng của anh ấy. Bạn hãy tin rằng trên đời này ngoài bạn ra, không ai yêu con bạn bằng bố ruột của nó cả. Đó là chưa kể người chồng sau không bao giờ nhìn đứa trẻ đó bằng con mắt si mê như người nghệ sĩ nhìn tác phẩm của mình, cho nên anh ấy đánh giá nó khách quan hơn, chính xác hơn và vì thế thường khiến bạn nghĩ rằng bụng dạ anh ấy hẹp hòi hơn người chồng cũ.

Vì sao hôn nhân lần hai tỷ lệ tan vỡ cao hơn lần thứ nhất? - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Cách xử lý mối quan hệ của bạn với người trước

Còn một điều hay gây rắc rối cho cuộc hôn nhân sau là cách xử lý mối quan hệ của bạn với người chồng trước. Cho dẫu tơ lòng đã dứt hẳn nhưng hai người vẫn có đứa con chung, vì thế họ phải gặp nhau là điều không tránh khỏi nhưng bạn hãy tránh gặp gỡ người cũ khi chỉ có một mình. Ngay cả đang ngồi với chồng mới nếu có điện thoại của chồng cũ hỏi han về con cái, bạn cũng nên nói chuyện công khai trước mặt chồng.

Con cái thường ở với mẹ, vì thế người chồng cũ có thể đến thăm con. Những cuộc gặp này cần phải thật minh bạch. Đừng để sau mỗi cuộc đến thăm lại xảy ra lục đục ở cả hai gia đình mới. Có chị chia sẻ với chuyên gia tâm lý, mỗi lần thấy bóng chồng cũ đến thăm con, chị lo đến thót tim. Ngăn cấm, ngoảnh mặt đi không được. Chào hỏi niềm nở cũng không xong. Có chị tự hỏi không hiểu con người đó còn đeo đẳng cuộc đời mình đến bao giờ. Trong khi đứa con lại tính từng ngày đợi bố đến đưa đi chơi.

Mới điểm qua mấy nét trên đây đã thấy tìm hạnh phúc trong cuộc hôn nhân sau khó hơn hôn nhân lần đầu rất nhiều.

4 thói quen nghe sai quá sai nhưng lại là 'tiên dược' giữ lửa hôn nhân

Nếu đã kết hôn, hãy nhớ kĩ 4 bí quyết này để giữ lửa hôn nhân.

TIN MỚI NHẤT