Khoe con trên mạng xã hội và hàng loạt nguy hiểm khó lường: Phụ huynh nên cẩn thận

Nuôi dạy con 01/04/2023 17:05

Trên không gian mạng, việc chia sẻ các đoạn clip và hình ảnh của con tiềm ẩn những nguy hiểm mà chuyên gia cảnh báo.

Theo VTV, lướt mạng xã hội, không khó để bắt gặp những dòng cập nhật, những bức ảnh trên trang cá nhân chia sẻ về con cái, từ kỷ niệm ngày con vào lớp một, tuổi mới của con đến những hoạt động thú vị của con trong ngày. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại chia sẻ hình ảnh về con một cách quá đà, từ những khoảnh khắc rất riêng tư đến những trang phục con mặc không phù hợp, không kín đáo.., thậm chí đăng tải gần như tất cả mọi thông tin, hình ảnh của con trẻ mà không lường trước những hệ lụy có thể xảy ra.

Mới đây, hàng loạt các vị phụ huynh ở các thành phố bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức con bị cấp cứu. Và theo cơ quan điều tra, 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin. Nhiều bậc phụ huynh vô tình làm lộ lọt thông tin cá nhân qua thói quen lên mạng xã hội đăng ảnh con cùng các loại giấy tờ, giấy khen... Điều này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo.

Tình trạng gọi điện thoại để thông báo cho phụ huynh về việc học sinh phải nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản là phương thức tấn công mục tiêu mà tội phạm công nghệ đang sử dụng.

Khoe con trên mạng xã hội và hàng loạt nguy hiểm khó lường: Phụ huynh nên cẩn thận - Ảnh 1
Các vị phụ huynh ở các thành phố bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức con bị cấp cứu. Ảnh: Internet

Theo Anh Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đoàn tại TPHCM thông tin trên Báo Tiền Phong ở góc độ trực tiếp, kẻ lừa đảo thường chủ động gọi điện cho từng cá nhân hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả giọng nói, giả hình ảnh nhằm mục đích lừa đảo. Với nhóm đối tượng diện rộng, chúng thường chọn cách tấn công vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản hoặc tấn công facebook và các trang mạng xã hội khác.

Đối tượng lừa đảo đưa ra thông tin không đúng sự thật, giả danh học sinh, người thân, giáo viên, bác sĩ để đánh vào lòng tin của phụ huynh. Tất cả các kế hoạch lừa đảo đều có sự chuẩn bị kỹ, phân tầng từ trước nên nếu thiếu bình tĩnh, không kết nối chặt chẽ với nhà trường, phụ huynh rất dễ rơi vào bấn loạn, làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.

Khoe con trên mạng xã hội và hàng loạt nguy hiểm khó lường: Phụ huynh nên cẩn thận - Ảnh 2
Tất cả các kế hoạch lừa đảo đều có sự chuẩn bị kỹ, phân tầng từ trước nên nếu thiếu bình tĩnh, không kết nối chặt chẽ với nhà trường, phụ huynh rất dễ rơi vào bấn loạn, làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo. Ảnh: Internet

Anh Nam nhận định, để tội phạm công nghệ tấn công một người rất đơn giản, đặc biệt là những người thích khoe con, gia đình giàu có. Mặc dù pháp luật đã quy định việc đăng hình ảnh của trẻ phải có sự đồng ý của chủ thể, tuy nhiên tình trạng đăng hình của trẻ lên mạng xã hội vẫn diễn ra tràn lan. Thực tế trên tạo ra nguy cơ cực lớn để tội phạm nghiên cứu và chuẩn bị cho phương án tấn công mục tiêu bởi những món tiền rất lớn mà chúng có thể chiếm đoạt.

Thông tin từ Báo Sức khỏe đời sống, google dẫn báo cáo cáo từ DQ Institute cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số an toàn trực tuyến dành cho trẻ em thấp nhất thế giới. Trong khảo sát của Nielsen đối với nhóm đối tượng trẻ em tại 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, thanh thiếu niên lên mạng thường đối mặt với những mối nguy như nội dung bạo lực, bắt nạt, tin giả hay các mối nguy từ người lạ.

Một báo cáo được công bố mới đây cho biết, hiện có đến 46 triệu hình ảnh, video khác thường có liên quan đến chủ đề bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trong kho lưu trữ của Europol (Cục Cảnh sát châu Âu). Ngân hàng Barclays đã cảnh báo rằng, vào những năm 2030, sẽ có khoảng 7,4 triệu vụ trộm danh tính có thể xảy ra mỗi năm. Đó là hệ quả để lại sau khi thế hệ cha mẹ hiện nay "vô tình" công khai mọi thông tin của con cái lên mạng xã hội.

Khoe con trên mạng xã hội và hàng loạt nguy hiểm khó lường: Phụ huynh nên cẩn thận - Ảnh 3

Khoe con trên mạng coi chừng tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, khi cha mẹ đăng tải những bức ảnh hay clip ghi lại những hình ảnh không đẹp, những câu chuyện về lỗi lầm của các con như khóc ăn vạ, cãi bố mẹ, con có hành vi sai trái. Vậy là những hình ảnh không hay, không đẹp của trẻ bỗng nhiên được công khai cho hàng trăm hàng ngàn người soi mói, bàn tán. Kết quả là: trẻ có thể phải hứng chịu những tổn thương về tinh thần khi bị chỉ trích, chê bai, phán xét. Trẻ phải đối mặt với chính những hình ảnh không đẹp của mình một mai khi chúng đã lớn lên.

Tại Việt Nam, Điều 32 Bộ Luật Dân sự quy định cá nhân (kể cả trẻ em) có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó. Còn theo Luật Trẻ em, một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.

Chúng ta thường xuyên nhìn trước ngó sau, quan sát để tránh xảy ra những nguy hiểm cho con em mình ngoài đời thực. Thế nhưng trên không gian mạng, nhiều bậc phụ huynh lại đang thiếu cẩn thận trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của con. 1 bức ảnh, 1 dòng trạng thái hôm nay có thể lưu giữ nhiều năm sau. Vì thế trước khi quyết định chia sẻ bất cứ điều gì, hãy suy nghĩ kĩ về hậu quả, không để niềm vui hôm nay trở thành nỗi day dứt mai sau.

Sinh con trong bọc điều may mắn, cha mẹ có thể chủ động sinh hay không và lời giải đáp của bác sĩ

Bác sĩ khoa Phụ sản đã nhiều năm liền hỗ trợ các ca sinh đã chia sẻ thông tin về việc liệu cha mẹ muốn sinh con trong bọc điều có được hay không?

TIN MỚI NHẤT