Sau sự cố khóa tu hè ở chùa Cự Đà, chuyên gia cảnh báo: 'Cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo'

Đời sống 20/06/2023 19:05

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng tình trạng nở rộ các trại hè theo kiểu khóa tu, học lối sống, kỹ năng sinh tồn mà không có sự kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn không những không góp phần giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh mà còn gây hại, gây mất an toàn cho các em cả về thể chất và tư tưởng.

Theo thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, sau vụ việc một phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, mới đây, nhiều cha mẹ lo ngại liệu có nên tiếp tục cho các con trải nghiệm những hoạt động thực tế khi đang nghỉ hè hay không?

 

Chia sẻ về vấn đề trên, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng tình trạng nở rộ các trại hè theo kiểu khóa tu, học lối sống, kỹ năng sinh tồn mà không có sự kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn không những không góp phần giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh mà còn gây hại, gây mất an toàn cho các em cả về thể chất và tư tưởng.

Vì con trẻ hiện đang dành quá nhiều thời gian trên thế giới ảo nên cha mẹ kỳ vọng con cái có thể bước ra ngoài thế giới, tương tác trực tiếp trong môi trường thực, với những con người thực để cân bằng cuộc sống thực và thế giới ảo, hy vọng con sẽ có những kỹ năng sống và rèn những giá trị, phẩm chất.

Sau sự cố khóa tu hè ở chùa Cự Đà, chuyên gia cảnh báo: 'Cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo' - Ảnh 1
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo như "khóa tu", "học kỳ quân đội", "trải nghiệm sinh tồn"… mà không biết phần nhiều là "kỹ thuật bán hàng" - Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

"Thế nhưng cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo, nào là "khóa tu", "học kỳ quân đội", "trải nghiệm sinh tồn", "trải nghiệm chữa lành"… với những kỳ vọng là con sẽ hiếu thuận, đạo đức, biết ứng xử, biết quản trị cảm xúc, trở nên kiên cường hơn, và biết định hướng nghề nghiệp như những lời quảng cáo… mà không biết phần nhiều là "kỹ thuật bán hàng", PGS Nam chia sẻ. 

Ông Nam phân tích, nhiều vụ việc quảng cáo là khóa tu miễn phí nhưng mọi người sau khi đăng ký thì sẽ phải nộp phí mua kinh sách, mua trang phục, trả tiền ăn ở đi lại (vì khóa tu được tổ chức tại một khu resort 5 sao).

Bản chất các hoạt động trải nghiệm là tốt cho việc hình thành kỹ năng, kết nối tri thức với cuộc sống, giúp trẻ trưởng thành về nhân cách. Nhưng việc cha mẹ cảm thấy các khóa trải nghiệm tốt và tích cực không có nghĩa là bản thân khóa trải nghiệm đó tốt và tích cực. Cũng giống như việc nhiều cha mẹ đang hướng nghiệp con theo cảm nhận của riêng mình cũng thường sai vậy.

Sau sự cố khóa tu hè ở chùa Cự Đà, chuyên gia cảnh báo: 'Cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo' - Ảnh 2
PGS.TS. Trần Thành Nam - Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

Cũng theo ông Nam, để giúp những hoạt động trải nghiệm trại hè trở thành những hoạt động giáo dục thực sực có ý nghĩa, cha mẹ không thể không quan tâm đến các yếu tố đảm bảo chất lượng như nội dung chương trình. Từng hoạt động cụ thể được tổ chức thế nào, hướng đến mục tiêu giáo dục nào, đo lường sự hình thành năng lực phẩm chất bằng công cụ nào, người giáo viên tổ chức các hoạt động đó có kinh nghiệm sư phạm, có bằng cấp phù hợp hay không?

Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm đến các khía cạnh về sự an toàn, sự phù hợp giữa nội dung kỹ năng và độ tuổi, tâm lý của các em; Cũng cần quan tâm giám sát nội dung được truyền tải đến con mình. Nếu không, đứa trẻ có thể bị tiêm nhiễm những nội dung độc hại, niềm tin tôn giáo sai lầm.

Theo thông tin từ báo Dân Việt, trước đó, trên mạng xã hội đăng tải bài viết của tài khoản Facebook tên G.N.N. có nội dung cảnh báo các bậc phụ huynh phải cân nhắc nếu có ý định đăng ký cho con theo khóa tu ở chùa Cự Đà, xã Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Chị N cho rằng con trai chị đã có "trải nghiệm kinh hoàng" tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà.

Nội dung bài viết thể hiện, trước đó, chị G.N.N. có đăng ký khóa tu 5 ngày tại chùa Cự Đà cho con. Khóa tu này có gần 600 tu sinh, gồm cả nam và nữ ở độ tuổi từ 9 - 16. Những ngày vào chùa, ban tổ chức có dặn con chị G.N.N chỉ nên mang theo 6 - 8 bộ quần áo để thay rồi mang về nhà giặt, đồng thời không được liên lạc hay gọi điện thoại để tránh việc các con sẽ nhớ nhà.

Sau sự cố khóa tu hè ở chùa Cự Đà, chuyên gia cảnh báo: 'Cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo' - Ảnh 3
Hình ảnh nam sinh bị chấn thương được đăng tải lên mạng xã hội - Ảnh: Báo Dân Việt

Theo lời kể, đến ngày thứ 5 tới đón con về, chị N. tỏ ra vô cùng bất ngờ bởi nhìn quần áo trên người con bẩn thỉu, hôi hám, chân tay bị muỗi đốt chi chít. Khi chị N. hỏi con thì được biết do ở chùa đông người, lúc tắm sau là hết nước nên con chị không tắm được. Lúc ngủ thì ngủ dưới nền đất có trải chiếu. Mấy hôm trước, trời mưa gió, ẩm thấp và có nhiều muỗi nên không ngủ được.

Điều khiến người mẹ bất ngờ là khi phát hiện tay trái của con bị sưng to chỗ khủyu tay và tay cứ còng còng nên truy hỏi. Lúc này, con chị cho biết ở chùa đã xảy ra xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ ngồi đập mạnh vào đầu và tay. Tuy nhiên, những người phụ trách dặn con chị N. không được nói là bị đánh mà phải nói là bị ngã, nếu không nghe lời thì bị phạt quỳ 2 tiếng đồng hồ.

Sau sự cố khóa tu hè ở chùa Cự Đà, chuyên gia cảnh báo: 'Cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo' - Ảnh 4
Chùa Cự Đà ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai - Ảnh: Báo Dân Việt

Đồng thời, ban tổ chức đã đưa con chị N. đi khám và bó cánh tay ở bệnh viện trên địa bàn quận Hà Đông nhưng không thông tin về vụ việc này cho chị. Chị N cho rằng, đã gọi điện cho trưởng ban tổ chức khóa tu ở chùa Cự Đà thì người này trả lời "quanh co", rồi nhắn tin xin lỗi và muốn tới thăm con chị.  

Chị N. tức tốc đưa con vào bệnh viện kiểm tra lại. Cũng trong bài viết trên mạng xã hội, chị N. cho rằng ban tổ chức chùa Cự Đà đã làm ăn tắc trách, thiếu trách nhiệm với các tu sinh khi cho gần 600 con người tu tập trong không gian nhỏ, điều kiện tắm rửa, sinh hoạt thì thiếu thốn. Trong khi đó, để xảy ra đánh nhau đến mức phải đi bệnh viện mà vẫn muốn giấu. Sau khi được đăng tải, bài viết của chị N. đã lập tức gây xôn xao cộng đồng mạng xã hội cùng nhiều ý kiến trái chiều.

 

Sau vụ việc trẻ bị đánh, chùa Cự Đà sẽ dừng vĩnh viễn các khóa tu

Vị trụ trì chùa Cự Đà nhấn mạnh, từ nay về sau bà Phạm Thị Thu không liên quan đến bất kỳ công việc nào tại chùa.

TIN MỚI NHẤT