Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị 2 ca nguy kịch do vi khuẩn liên cầu, trong đó có 1 trường hợp ăn tiết canh ngan và 1 người ăn thịt lợn ốm.
- Khánh Hòa: Né ống thép rơi xuống đường, xe tải lao vào quán cà phê làm ít nhất 5 người đi cấp cứu
- Bị bạn trai đuổi ra khỏi nhà lúc nửa đêm, cô gái xinh đẹp liền nảy ra suy nghĩ chẳng thể ngờ
Dẫn nguồn từ báo An Ninh Thủ Đô, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cả 2 bệnh nhân đều là nam, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Trường hợp thứ nhất là ông Hà Văn E. (73 tuổi, Ở Duy Tiên, Hà Nam). Theo lời kể của người nhà, ngày 6-3, nhà ông E. được hàng xóm cho một con lợn khoảng 50 kg bị ốm, một mình ông E. đã giết mổ con lợn đó và nấu ăn.
Sau một ngày, ông E. xuất hiện đau đầu, buồn nôn, sốt cao và mê hoảng, được gia đình đưa vào Bệnh viện Hưng Hà (Hưng Yên), chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết/suy đa tạng. Do diễn biến nặng nên ông E. được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 8-3.
Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh liều cao và chăm sóc toàn diện, chẩn đoán viêm màng não do liên cầu lợn.

Bệnh nhân thứ hai là Đinh Văn Kh. (41 tuổi, ở Hưng Yên), bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn sau 9 ngày ăn tiết canh ngan.
Theo lời kể của người nhà, cách 9 ngày vào viện, bệnh nhân ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Sau đó 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt không rõ nhiệt độ kèm đau đầu, mệt nhiều, bệnh nhân được đưa đến BVĐK Phố Nối (Hưng Yên) điều trị giảm đau.
Đến ngày 13-3, bệnh nhân xuất hiện đau đầu nhiều, vật vã, kích thích nên đã được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân bị viêm màng não do liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh ngan.
Theo thông tin từ báo Lao Động, các chuyên gia y tế khuyến cáo, không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn bệnh, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da.
Bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết, có nơi còn có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn.

"Đặc biệt, nhiều người vẫn có quan niệm lợn tự nuôi, 'cắp nách', thả đồi thì sẽ an toàn. Tuy nhiên, thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh", chuyên gia cho biết thêm.
Để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn như: Sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.