Lời khuyên về lối sống và dinh dưỡng để trị táo bón hiệu quả, không tái phát

Dinh dưỡng 22/11/2023 17:56

Táo bón không thể được kiểm soát chỉ bằng thuốc nhuận trường, dù có thể hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng lại có nhiều tác dụng không mong muốn và dễ tái phát sau khi ngừng thuốc. Dưới đây là những hướng dẫn về lối sống và dinh dưỡng để trị táo bón hiệu quả lâu dài.

Táo bón là gì?

Lời khuyên về lối sống và dinh dưỡng để trị táo bón hiệu quả, không tái phát - Ảnh 1

Theo thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Ngọc Lan, Phòng khám – tư vấn Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, táo bón là tình trạng giảm số lần đại tiện (dưới 3 lần trên tuần), thời gian đại tiện kéo dài, khó tống xuất phân, tính chất phân khô cứng, một số còn kèm theo cảm giác đại tiện không hết, cảm giác sa hậu môn và tắc nghẽn trực tràng, chướng bụng,...

Táo bón kéo dài dễ dẫn đến nứt hậu môn, trĩ và các bệnh hậu môn trực tràng khác, có thể dẫn đến rối loạn tâm thần và tâm lý nghiêm trọng.

Ngoài ra tình trạng táo bón còn cho thấy sự liên quan đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh lý tim mạch khác ở người lớn tuổi.

Nguyên nhân gây táo bón

Các nguyên nhân gây táo bón gồm: rối loạn nhu động ruột, rối loạn chức năng sàn chậu, chế độ ăn uống ít chất xơ, uống cà phê, trà, rượu, ít uống nước, ít vận động, hoặc do mắc các bệnh lý gây tắc nghẽn ống tiêu hoá, các bệnh lý toàn thân, tác dụng không mong muốn của thuốc.

Cách trị táo bón

Tuỳ vào nguyên nhân gây ra táo bón mà bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể khác nhau, tuy nhiên thay đổi lối sống là phương pháp điều trị thường quy cho người bị táo bón: 

Lời khuyên về lối sống và dinh dưỡng để trị táo bón hiệu quả, không tái phát - Ảnh 2
Tránh đọc báo, xem điện thoại trong lúc đi vệ sinh.

- Người bệnh cần tránh nhịn đi đại tiện, nên tập thói quen đi tiêu vào thời gian cố định mỗi ngày, tập trung chú ý khi đi tiêu, tránh đọc báo, xem điện thoại trong lúc đi tiêu.

 - Vận động, tập luyện thể lực hợp lý, nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày. 

- Uống đủ nước, khoảng 2 lít nước/ngày. 

- Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ bao gồm ngũ cốc (gạo, ngô), bánh mì, rau, trái cây, khoai tây (có vỏ) và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ trong các loại trái cây, rau củ quả có tác dụng giữ nước, làm mềm phân, tăng tốc độ vận chuyển của ruột có thể hỗ trợ rất tốt trong điều trị táo bón.

Bên cạnh áp dụng các phương pháp điều trị thường quy trên, người bệnh còn có thể sử dụng kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền (YHCT) như dùng thuốc thảo dược, châm cứu, xoa bóp, cũng như có thể thông qua việc ăn uống theo lý luận của YHCT để điều chỉnh cơ thể, giúp điều hoà khí huyết, cân bằng âm dương từ đó đạt được mục đích điều trị táo bón.

Theo YHCT, nguyên nhân chủ yếu gây ra táo bón là do ngoại cảm hàn nhiệt tà, thói quen ăn uống không tốt, tình chí thất điều, khí huyết âm dương bất túc và có mối liên hệ mật thiết với các tạng phủ như Đại trường, Phế, Tỳ, Vị, Can, Thận. 

Thông qua biện chứng, tình trạng táo bón có thể phân thành thực chứng (gồm táo nhiệt, khí uất, âm hàn) và hư chứng (gồm khí hư, huyết hư, âm hư và dương hư):

- Nếu người bệnh có biểu hiện của thực chứng có thể phối hợp các món như nước khoai tây, nước mật ong, cải bó xôi xào dầu mè trong bữa ăn hằng ngày. 

Lời khuyên về lối sống và dinh dưỡng để trị táo bón hiệu quả, không tái phát - Ảnh 3

Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền để điều trị táo bón.

- Trường hợp người bệnh có biểu hiện của hư chứng có thể sử dụng các món như canh củ năng, canh mộc nhĩ, cháo mè đen, canh hạt sen Nhân sâm, canh vịt hầm Sa sâm Ngọc trúc, canh dê hầm Đương quy Sinh khương, gà hầm Hoàng kỳ, gà hầm Nhân sâm. 

Táo bón không thể được kiểm soát chỉ bằng thuốc nhuận trường, mặc dù có thể hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng lại có nhiều tác dụng không mong muốn và dễ tái phát sau khi ngừng thuốc.

Vì thế, để đạt được kết quả ngắn hạn và dài hạn tốt hơn người bệnh cần phải thay đổi lối sống, bao gồm việc thay đổi để có một chế độ ăn uống hợp lý, phù hợp tình trạng cơ thể. 

 

5 loại thực phẩm không nên ăn vào buổi sáng khi đói, chuyên gia khuyên: Thà để 'bụng rỗng' chớ nên ‘rước bệnh vào thân’

Những gì chúng ta ăn vào buổi sáng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể và đây là lý do tại sao bữa ăn hoặc đồ uống đầu tiên trong ngày là bữa ăn cực kỳ quan trọng. 

TIN MỚI NHẤT