Tiểu máu ở trẻ khi nào nguy hiểm?

Chăm sóc con 10/10/2018 05:30

Tiểu máu là tình trạng có tế bào hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu. Nếu lượng máu trong nước tiểu đủ nhiều để làm thay đổi màu sắc nước tiểu thì gọi là đái máu đại thể, còn nếu lượng máu trong nước tiểu ít chỉ được phát hiện nhờ xét nghiệm thì gọi là đái máu vi thể. Tình trạng đái máu có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Khi nào tiểu máu không nguy hiểm?

Khi tiểu máu có nguyên nhân là do dùng thuốc điều trị. Một số loại thuốc chống đông như heparin, warfarin, thuốc điều trị ung thư như cyclophosphamide có thể gây ra đái máu.Khi ngưng sử dụng các chế phẩm này thì sẽ hết tiểu máu.

Ngoài thuốc ra, một số thức ăn có màu sậm như củ cải đường, quả mâm xôi... cũng làm nước tiểu có màu đỏ dễ nhầm với đái máu.

Thỉnh thoảng trong nước tiểu có xuất hiện một ít tế bào hồng cầu, xảy ra thoáng qua vài ngày rồi biến mất như đái máu sau vận động mạnh hoặc có thể kéo dài lâu hơn.Tuy nhiên tình trạng đái máu ở mức vi thể như vậy thường ít gây ra bệnh nặng nề như đái máu đại thể.

Khi nào tiểu máu là nguy hiểm?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tiểu máu nguy hiểm ở trẻ em.

Tổn thương cấu trúc hệ tiết niệu: Thận có nang hoặc bị tắc nghẽn có thể gây ra các nhiều dạng đái máu khác nhau. Siêu âm hệ tiết niệu sẽ giúp chẩn đoán bệnh lý này.

Các nguyên nhân di truyền: Một số bệnh thận có tính di truyền trong gia đình có thể gây ra tiểu máu như bệnh thận đa nang, hội chứng Alport, bệnh hồng cầu hình liềm...

Tiểu máu ở trẻ khi nào nguy hiểm? - Ảnh 1
Viêm cầu thận là nguyên nhân phổ biến gây tiểu máu ở trẻ.

Mất cân bằng muối khoáng trong nước tiểu: Nồng độ cao can -xi trong nước tiểu có thể gây ra đái máu. Trẻ thường không đau, hoặc nếu có thì sẽ có cảm giác đau dọc đường tiết niệu, cảm giác đau rát khi đi tiểu. Những trẻ có can- xi niệu cao thường có thành viên khác trong gia đình cũng bị sỏi thận và trẻ cũng có nguy cơ bị sỏi thận về sau. Hầu hết trẻ chỉ tiểu máu vi thể nên không cần điều trị, trừ khi trẻ có kèm theo sỏi thận. Việc điều trị dự phòng không phải là giảm can-xi trong chế độ ăn của trẻ bởi vì vấn đề sỏi thận về sau sẽ không nặng nề bằng tình trạng thiếu can-xi cho sự phát triển hệ xương của trẻ.

Viêm cầu thận: Là nguyên nhân tiểu máu khá phổ biến ở trẻ em. Có nhiều dạng viêm cầu thận, một số dạng nhẹ có thể tự lành, một số cần phải điều trị thuốc lâu dài. Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp xác định dạng viêm cầu thận, tuy nhiên một số trường hợp khó thì cần phải sinh thiết thận để chẩn đoán bệnh.

Nhiễm trùng đường tiểu: Là nguyên thường gặp nhất của tiểu máu trẻ em, có thể gây ra do viêm thận bể thận, viêm bàng quang, viêm bao quy đầu... Điều trị cần phải sử dụng kháng sinh. Đây là nhóm bệnh ít gây nguy hiểm lâu dài cho trẻ nếu được điều trị đúng và kịp thời.

Trong quần thể dân cư nói chung có một tỉ lệ nhỏ trẻ có tiểu máu vi thể được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe tổng quát, không kèm theo bất kỳ bệnh lý nào khác. Bệnh này thường có tính di truyền trong gia đình. Khi trẻ không có suy thận hoặc trong gia đình không có ai suy thận thì tình trạng tiểu máu này không cần điều trị. Tuy nhiên trẻ cần phải được theo dõi tái khám thường xuyên để phát hiện sớm các biểu hiện nặng lên của bệnh nếu có.

Dù sao thì khi nghi ngờ trẻ có tiểu máu, tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám và loại trừ các bệnh lý nguyên nhân nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải.

Từ em bé nguy kịch sau khi xỏ lỗ tai đến những điều bố mẹ phải biết khi bấm lỗ tai cho trẻ nhỏ

Các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng không khuyến khích mọi người, nhất là trẻ nhỏ xỏ lỗ tai, vì điều này dễ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí gây hại toàn thân cho trẻ.

TIN MỚI NHẤT