TP.HCM: Nhiều dự án BĐS ách tắc vì quy định “trớ trêu” của Luật Nhà ở

Không gian sống 02/07/2019 09:00

Nửa đầu năm 2019, cả nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở tại TP.HCM đều sụt giảm. Nhiều dự án bị ách tắc không thể triển khai được vì vướng quy định “trớ trêu” của Luật Nhà ở.

Nửa năm chỉ có 3 dự án mới được đề xuất 

Trong báo cáo về một số khó khăn, rủi ro của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) gửi UBND TP.HCM của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay rất lo ngại trước tình hình sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội. 

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha và 924 căn hộ, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm ngoái. 

TP.HCM: Nhiều dự án BĐS ách tắc vì quy định “trớ trêu” của Luật Nhà ở - Ảnh 1
So với cùng kỳ năm trước, nguồn cung dự án lẫn số lượng sản phẩm nhà ở giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019. 

Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án so với cùng kỳ năm 2018. 6 tháng qua, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án, giảm 2.336 căn so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8%, phân khúc căn hộ bình dân giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Chủ tịch HoREA cho rằng, sự sụt giảm của thị trường BĐS tác động đến nguồn thu ngân sách thành phố. Theo đó, năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. So với năm 2017, giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng. 

“Kết quả thu ngân sách của thành phố 6 tháng đầu năm 2019 chưa đạt 50% kế hoạch. Số thu tiền sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Châu dẫn chứng. 

Hàng loạt dự án ách tắc vì quy định “100% đất ở” 

Chủ tịch HoREA cho hay, có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân là rủi ro về pháp lý. Nhiều chủ đầu tư đã bỏ ra chi phí rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, nhưng không thể hoàn thành thủ tục pháp lý hoặc không thể triển khai dự án. 

Theo ông Châu, có những dự án nhà ở thương mại bị ách tắc vì thủ tục hành chính, dù đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Sở Quy hoạch Kiến trúc không nhận hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Nguyên nhân do Luật Quy hoạch đô thị quy định "chủ đầu tư" đề xuất đồ án quy hoạch 1/500, trong lúc Luật Đầu tư quy định ghi tên "nhà đầu tư" dự án nhà ở đã được giải phóng mặt bằng.

Kể từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, các dự án nhà ở thương mại, có quỹ đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Những dự án này đều bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư, do Luật Nhà ở quy định dự án nhà ở thương mại “phải có 100% đất ở”. 

Đối với những dự án có quỹ đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý cũng đang bị ách tắc thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho chủ đầu tư. Trong khi doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin được giao đất dự án nhưng vẫn phụ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các Quyết định này. 

Ngoài ra, nhiều dự án bị chậm tính tiền sử dụng đất do quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài từ 1-3 năm. Theo ông Châu, việc áp dụng các phương pháp tính "tiền sử dụng đất cụ thể" hiện nay chưa hợp lý. Kết quả tính tiền sử dụng đất dự án phổ biến chỉ bằng khoảng 75-80% chi phí giải phóng mặt bằng. Dẫn đến việc chủ đầu tư dự án nhà ở gần như phải "mua lại" quyền sử dụng đất lần thứ hai, do mức khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng quá thấp so với chi phí thực tế đã bỏ ra.

Để tháo gỡ về thủ tục hành chính, HoREA đề xuất UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc thụ lý, giải quyết hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do "nhà đầu tư" dự án đề xuất, sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư, để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các thủ tục về quyền sử dụng đất dự án.

Còn với dự án có quỹ đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý đang “vướng” quy định phải có “100% đất ở”, HoREA đã có ý kiến và Văn phòng UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu để thành phố xem xét, giải quyết. 

“Hiệp hội đề nghị sau khi có kết quả rà soát, UBND thành phố sẽ báo cáo Bộ Tài nguyên Môi trường để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết ách tắc này”, ông Châu nói. 

Thần Tài hô tên 3 con giáp này đỏ cả tình lẫn tiền, đường tài lộc suôn sẻ, không gặp trắc trở, đón tết 2023 phú quý

Những con giáp dưới đây gánh hết lộc trời về nhà, làm việc gì cũng thành công hơn người, đổi vận giàu sụ trước thềm 2023.

TIN MỚI NHẤT