Sở Y tế thông báo mới về việc tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 và 15 loại bệnh truyền nhiễm

Tin y tế 21/04/2023 07:55

Sở Y tế TP.HCM tiếp tục có chỉ thị tăng cường kiểm soát Covid-19 và 15 loại bệnh khác trong trường học hiện nay.

Theo VietNamNet, Văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động Thương binh - Xã hội về việc tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học của Sở có danh sách 16 bệnh truyền nhiễm quản lý trong trường học bao gồm: sởi, tay chân miệng, rubella, ho gà, bạch hầu, quai bị, thủy đậu, cúm (A, B), sốt xuất huyết, viêm họng nhiễm siêu vi, tả, não mô cầu, viêm não virus, viêm phổi virus nặng, bệnh nặng không rõ nguyên nhân và Covid-19.

Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh - Xã hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo ca nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm. Khi người học (trẻ, học sinh, học viên) nghỉ học cần tìm hiểu lý do để phát hiện kịp thời các ca nghi ngờ, ca mắc bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Sở Y tế thông báo mới về việc tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 và 15 loại bệnh truyền nhiễm   - Ảnh 1
Kiểm soát dịch trên địa bàn TP. Ảnh: Internet

Thông báo ngay cho trạm y tế khi có một trong các trường hợp sau: Phát hiện ca mắc hoặc nghi mắc một trong các bệnh truyền nhiễm; Ghi nhận nhiều người học, giáo viên, nhân viên cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian; Tăng bất thường số lượng người học, giáo viên, nhân viên nghỉ học, nghỉ làm so với các ngày trước.

Khi có ca nghi ngờ hoặc ca mắc bệnh truyền nhiễm, nhà trường cần thông báo và phối hợp ngay với trạm y tế đề tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý ca bệnh, ngăn ngừa bệnh lây lan...

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh trong trường học. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho toàn thể người học, giáo viên, công nhân viên về đặc điểm bệnh, cách nhận biết các dấu hiệu bệnh truyền nhiễm; cách xử lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho khi mắc bệnh.

Thực hiện 3 sạch “ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch", đảm bảo các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng bệnh. Phát hiện và xử lý vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng tại nơi ở, làm việc và học tập. Đẩy mạnh truyền thông đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm vắc xin.

Thực hiện nghiêm túc yêu cầu “không để học sinh mắc bệnh truyền nhiễm đến trường". Đề nghị phụ huynh không cho trẻ đi học khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, đưa đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ và thông báo ngay cho nhà trường khi có chẩn đoán của cơ sở y tế.

Sở Y tế thông báo mới về việc tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 và 15 loại bệnh truyền nhiễm   - Ảnh 2
Vệ sinh và đo nhiệt độ kiểm soát dịch. Ảnh: Internet

Thứ ba, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học. Khuyến khích và duy trì hoạt động rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, thực hiện vệ sinh ăn uống.

Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các khu vực trong trường học, đặc biệt các bề mặt học sinh thường tiếp xúc bằng hóa chất làm sạch, khử khuẩn. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng hằng tuần hoặc khi cần thiết.

Thứ 4, tăng cường tự kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh.

Cũng theo Dân Trí, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng bắt đầu có xu hướng giảm dần và sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron, UBND TPHCM đã chỉ đạo ngành y tế và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cần triển khai ngay các giải pháp nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Cụ thể:

Cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ: UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, bao gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ.

Tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19: Rà soát lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều để vận động, thuyết phục người dân đến các điểm tiêm trên địa bàn; tổ chức tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được. Tổ chức tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ mũi cơ bản.

 

Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19: Hỗ trợ người thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19. Khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn; cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định.

Cần có sự phối hợp của cán bộ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền của người mắc Covid-19. Trong trường hợp người sống chung mắc Covid-19, cần tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ ra. Thực hiện việc theo dõi, cách ly, điều trị cho người sống chung, người cùng gia đình mắc Covid-19 cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

 

Tổ chức truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe: Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế tụ tập và đến nơi tập trung đông người. Thông tin đầy đủ về lợi ích của việc tiêm vaccine và hướng dẫn phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh để thông báo với cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị theo quy định.

Thời gian tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID - 19 được chuyên gia khuyến khích

Giới chuyên gia nhấn mạnh khuyến cáo tiêm đầy đủ vaccine để phòng bệnh và giảm nguy cơ trở nặng.

TIN MỚI NHẤT