Nghe lời 'thầy lang' trên mạng 'cứ dùng, cứ uống', người phụ nữ bị vảy nến ngày càng nặng, tổn thương da diện rộng

Tin y tế 31/10/2023 06:20

Thời gian đầu bôi, ngâm và tắm theo toa thuốc của "thần y" trên mạng, da đỡ ngứa. Nhưng một thời gian sau, tổn thương dày lên, xuất hiện viêm nhiễm vùng tổn thương và chảy nước, tổn thương lan rộng khắp người, bội nhiễm.

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, tại Bệnh viện da liễu T.Ư mới đây, nữ bệnh nhân Nguyễn Thanh H. (37 tuổi) ở Hà Nội đến tái khám và được bác sĩ đánh giá bệnh vảy nến của chị đang được kiểm soát ổn định.

Chị H. chia sẻ đã nghe giới thiệu về các ông lang và đi tận tỉnh xa để cắt thuốc uống, tắm, ngâm rồi bôi để trị bệnh vảy nến. Thời gian đầu bôi, ngâm và tắm xong, da đỡ ngứa. Nhưng một thời gian sau, tổn thương dày lên, xuất hiện viêm nhiễm vùng tổn thương và chảy nước, tổn thương lan rộng khắp người, bội nhiễm.

Nghe lời 'thầy lang' trên mạng 'cứ dùng, cứ uống', người phụ nữ bị vảy nến ngày càng nặng, tổn thương da diện rộng - Ảnh 1
Chị H. chia sẻ đã nghe giới thiệu về các ông lang và đi tận tỉnh xa để cắt thuốc uống, tắm, ngâm rồi bôi để trị bệnh vảy nến - Ảnh: Thanh Niên

"Thầy lang cũng không cho biết là thuốc gì, chỉ bảo cứ dùng, cứ uống. Tuy nhiên, các tổn thương da lan rộng, gây ngứa, đau rát. Không thể chịu được tình trạng đó, nên tôi đến khám tại Bệnh viện Da liễu T.Ư", chị H. cho hay.

Về ca bệnh nêu trên, bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày (Bệnh viện Da liễu T.Ư), cho hay bệnh nhân H. đến khám trong tình trạng đỏ da toàn thân, bong vảy. Vảy nến là bệnh mãn tính, cần điều trị dài ngày, do đó, bệnh nhân hay nản lòng, hay đi điều trị tại các cơ sở với các thuốc không rõ nguồn gốc, sau đó bệnh nặng hơn.

"Với bệnh nhân H., chúng tôi áp dụng thuốc bôi, sau đó chuyển chiếu tia cực tím, đến nay đã điều trị 4 - 5 đợt ánh sáng trị liệu. Hiện, bệnh nhân H. gần như được kiểm soát hoàn toàn bệnh", bác sĩ Tâm đánh giá.

Dẫn tin từ Người Lao Động, TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, cho biết người bệnh vảy nến sẽ thường gặp phải tình trạng ngứa mạn tính. Đây là điều bác sĩ da liễu quan tâm bởi người bệnh thường cào gãi da sẽ khiến viêm nặng hơn, gây ngứa và gãi nhiều hơn, dẫn đến vòng xoắn bệnh lý "ngứa – gãi – ngứa". 

Nghe lời 'thầy lang' trên mạng 'cứ dùng, cứ uống', người phụ nữ bị vảy nến ngày càng nặng, tổn thương da diện rộng - Ảnh 2
1 trường hợp bị vảy nến nặng - Ảnh: VTV

Đặc biệt, việc cào, gãi làm tổn thương da dẫn đến hình thành những mảng vảy nến mới, đó là hiện tượng Koebner. Do đó, cần điều trị hiệu quả để cắt đứt chu kỳ "ngứa – gãi – ngứa".

Để kiểm soát ngứa, bác sĩ Hào lưu ý: Tránh tắm gội bằng nước quá nóng. Nên dùng nước ấm cùng với chất rửa không chứa hương liệu; chỉ sử dụng những sản phẩm chăm sóc da nhẹ, dịu. Nên mang găng khi tiếp xúc với hóa chất hay chất tẩy rửa.

Bên cạnh đó, tránh cào gãi vì có thể làm tổn thương da, vi khuẩn dễ xâm nhập gây nhiễm trùng. Cào gãi cũng gây xuất huyết da và làm nặng tình trạng vảy nến. Cắt ngắn móng tay để giảm thiểu những tổn thương do cào gãi. Không bóc, cậy các thương tổn vì giống như cào gãi, sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng và làm nặng tình trạng vảy nến. Ngoài ra, tránh dùng bia rượu và cà phê.

Việc trầy xước hay những tổn thương da nhỏ do cọ xát cũng có thể làm xuất hiện vảy nến. Vì vậy, nên mặc trang phục với chất liệu sợi tự nhiên như cotton.

Hướng dẫn cách phân biệt viêm da cơ địa và bệnh vảy nến, chuyên gia cảnh báo nguy hại khó lường đến cơ thể

Trong các bệnh ngoài da mạn tính thì bệnh vảy nến và bệnh viêm da cơ địa là 2 bệnh khiến cơ thể bạn trở nên mất thẩm mỹ nhất, lại gây nên vấn đề da khô dễ tái phát.

TIN MỚI NHẤT