Chuyên gia giải đáp: Trẻ em khi mắc Covid-19 có thể lây cho người lớn, nhiễm thể nhẹ có cần tiêm vắc xin không?

Tin y tế 11/02/2022 09:06

Chuyên gia y tế cho biết, trẻ em khi mắc Covid-19 có thể tiếp tục làm nguồn lây nhiễm và lây cho người lớn, cho người không được tiêm. Đó là sự nguy hiểm của việc duy trì chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Dẫn tin từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tại Việt Nam, việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em cũng sẽ được Bộ Y tế triển khai trong thời gian tới. Đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Hiện tại FDA chấp thuận sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Một số loại vaccine khác vẫn đang được nghiên cứu thêm trên đối tượng trẻ em và được chấp thuận tại một số nước, chẳng hạn: Mordena, Sinovac, Soberana 2, ZyCoV-D (Ấn Độ).

Trả lời cho câu hỏi: "Trẻ em nhiễm Covid-19 thường nhẹ thì có cần tiêm vắc xin?", chia sẻ với Doanh nghiệp và Tiếp thị, TS, BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, liều tiêm vắc xin cho trẻ em chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Theo hướng dẫn từ hãng dược Pfizer, trẻ từ 5 đến 11 tuổi sử dụng vắc xin với liều 10 microgam. Nguyên tắc, khi thử nghiệm lâm sàng thuốc và vắc xin, các nhà nghiên cứu sẽ xem liều nào thấp nhất nhưng vẫn sinh miễn dịch tối ưu, tức là miễn dịch phải đủ tốt để bảo vệ.

Chuyên gia giải đáp: Trẻ em khi mắc Covid-19 có thể lây cho người lớn, nhiễm thể nhẹ có cần tiêm vắc xin không? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

TS Thái cho biết trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. Với liều tiêm chỉ bằng 1/3 người lớn, trẻ sẽ không có các phản ứng phụ bất lợi nên đây được đánh giá là mũi tiêm an toàn.

Liên quan tới nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ em, TS Thái nhấn mạnh với liều tiêm 10 microgam ở trẻ nhỏ, gần như không thấy trường hợp nào gặp phải vấn đề với cơ tim.

"Một số phản ứng thường gặp ở trẻ như sưng đau tại chỗ, mệt mỏi 1-2 hôm, thì sau đó hết. Ở các nước đã tiêm vắc xin cho đối tượng trẻ độ tuổi này không gặp biến cố bất lợi hay viêm cơ tim", bác sĩ Thái nói.

TS Thái cho rằng hội chứng hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở người lớn mà ngay cả trẻ em. Trẻ em khi nhiễm Covid-19 ít biến chứng nặng nhưng những tác dụng kéo dài liên quan Covid-19 khá phổ biến, ảnh hưởng tới sức học của trẻ con.

Bên cạnh đó, trẻ em khi mắc Covid-19 có thể tiếp tục làm nguồn lây nhiễm và lây cho người lớn, cho người không được tiêm. Đó là sự nguy hiểm của việc duy trì chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

"Riêng với trẻ béo phì, có bệnh nền, đây là đối tượng càng cần phải tiêm sớm, tiêm trước trong bệnh viện vì trẻ có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19.

Đó là lý do vì sao trẻ em nên được tiêm chủng vì những giá trị kéo dài tốt đẹp của tiêm vắc xin Covid-19, để chủ động bảo vệ sức khỏe trẻ và sớm trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Thái nói.

Theo TS Thái, phần lớn tâm lý người lớn đang lo ngại quá mức với vắc xin, trong khi nhiễm virus thật còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Do đó, các bậc phụ huynh không nên do dự trước việc tiêm vắc xin Covid-19 cho con mình kể cả ở nhóm tuổi nhỏ.

Ngay sau tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm ngừa. Sau đó về nhà, cha mẹ phải tiếp tục theo dõi các tác dụng phụ có thể gặp.

- Tại cánh tay tiêm:

Đau.

Mẩn đỏ.

Sưng tấy.

- Trên các phần còn lại của cơ thể:

Mệt mỏi.

Đau đầu.

Đau cơ.

Ớn lạnh.

Sốt.

Buồn nôn.

Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày kể từ khi tiêm vaccine. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo hàng rào bảo vệ và sẽ biến mất trong vòng vài ngày.

Trong thời gian theo dõi tại nhà, đặc biệt trong 7 ngày đầu, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện:

Trẻ than tê quanh môi hoặc lưỡi.

Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.

Trẻ than ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Ngày 10/2, Việt Nam ghi nhận 26.032 ca nhiễm COVID-19, có 7 địa phương trên 1.000 bệnh nhân, Hà Nội dẫn đầu với 2.887 F0

Tính từ 16h ngày 09/02 đến 16h ngày 10/02, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 26.032 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 26.023 ca ghi nhận trong nước.

TIN MỚI NHẤT