Cấp cứu khẩn cấp thai phụ bị ngôi ngược, vỡ tử cung do vết mổ cũ

Tin y tế 05/07/2023 15:46

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa tiếp nhận sản phụ L.T. B (29 tuổi, Hà Tĩnh) mang thai tuần thứ 36, xuất hiện triệu chứng đau nhiều vùng vết mổ, ngôi ngược, nước ối ra nhiều…

Theo thông tin từ báo Hà Tĩnh, ngày 2/7/2023, sản phụ L.T. B, (29 tuổi, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mang thai tuần thứ 36, xuất hiện triệu chứng đau nhiều vùng vết mổ, nước ối ra nhiều… nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thăm khám.

Ngay khi tiếp nhận sản phụ, Bác sỹ Nguyễn Viết Thọ, Trưởng khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và ê-kíp đã tiến hành làm các kết quả lâm sàng cần thiết và xác định sản phụ chuyển sinh lần 3, vết mổ đẻ cũ 2 lần, ngôi ngược, ối vỡ sớm, tử cung đôi/theo dõi vỡ tử cung, nên chuyển mổ cấp cứu để lấy thai.

Cấp cứu khẩn cấp thai phụ bị ngôi ngược, vỡ tử cung do vết mổ cũ - Ảnh 1
Bác sỹ Nguyễn Viết Thọ kiểm tra vết mổ cho sản phụẢnh: Báo Hà Tĩnh

Qúa trình tiến hành mở ổ bụng thì phát hiện trong ổ bụng có 50ml dịch hồng, đoạn eo tử cung giãn mỏng kéo dài, đoạn giữa vết mổ đẻ cũ vỡ dài 1,5 - 2cm dưới phúc mạc… đồng thời mở tử cung lấy ra một bé gái nặng 2,2kg. Sau khi lấy được thai nhi ra ngoài an toàn, ê kíp tiến hành xử trí và khâu phục hồi cơ tử cung do vỡ tử cung, bảo tồn được tử cung cho sản phụ.

Đến chiều 4/7, sức khỏe sản phụ ổn định, được chăm sóc hậu sản tại Khoa Sản.

Trước đó, theo nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, sáng ngày 6/6, Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận thai phụ P.T.K.L. (37 tuổi, ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) mang thai được 39 tuần 6 ngày tuổi, chị L. bỗng dưng đau bụng.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ không loại trừ vỡ tử cung và đã nhanh chóng mổ cho thai phụ. Tại phòng mổ, thai phụ xuất huyết âm đạo, lượng máu chảy khoảng 500ml. Do có vết mổ cũ từ 2 lần sinh trước nên tử cung ép sát bàng quang. Trong khi đó, vết rách tử cung tại vết mổ trước đó kéo dài sang hông phải, gần sát niệu quản.

Cấp cứu khẩn cấp thai phụ bị ngôi ngược, vỡ tử cung do vết mổ cũ - Ảnh 2
Bé gái chui ra ổ bụng do mẹ bị vỡ tử cung từ vết mổ cũ - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Sau khi lấy em bé ra, các bác sĩ khâu phục hồi chỗ vỡ để bảo tồn tử cung thì thấy có những dấu hiệu phù nề nên PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - chủ nhiệm bộ môn sản phụ khoa, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - trưởng khoa sanh, Bệnh viện Hùng Vương - lập tức bơm bàng quang nhằm kiểm tra bàng quang, đặt các dụng cụ chuyên biệt để kiểm tra ống niệu quản. Kết quả cho thấy bệnh nhân may mắn không tổn thương bàng quang và niệu quản. 

Đồng thời, bác sĩ Trang tiếp tục khâu cầm máu những mạch máu trước đó vỡ đứt nhằm ngăn nguy cơ phù nề. Sản phụ cũng được đặt ống dẫn lưu ra ổ bụng để theo dõi.

Vỡ tử cung là một trong 5 tai biến sản khoa, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng sản phụ và thai nhi. Đặc biệt, sản phụ có tử cung đôi lại mổ lấy thai nhiều lần thì sẽ càng tăng các nguy cơ như: thai bám sẹo mổ lấy thai, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nứt vết mổ, vỡ tử cung. Các biến chứng này có thể làm chảy máu, sốc mất máu, cắt tử cung cấp cứu. Chính vì vậy, ở tất cả các thai kỳ có vết mổ cũ lấy thai, thai phụ cần được đánh giá cẩn thận, kiểm tra và theo dõi định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa để giúp phát hiện bất thường nếu có và xử trí kịp thời.

 

Nỗ lực cấp cứu sản phụ trẻ bị liệt toàn thân trái, méo miệng và nói khó

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận sản phụ (23 tuổi, Đồng Nai) trong tình trạng liệt toàn thân trái, liệt mặt trái, méo miệng và nói khó.

TIN MỚI NHẤT