Tại sao khách hàng dự án Topaz City chưa có sổ hồng?

Thị trường 03/06/2019 06:00

Khách hàng mua nhà của công ty Cổ phần thương mai - dịch vụ - xây dựng - kinh doanh nhà Vạn Thái (Vạn Thái Land) và đã dọn về ở gần 2 năm nhưng chờ đợi mòn vẫn không thấy được cấp sổ hồng.

Tại sao khách hàng dự án Topaz City chưa có sổ hồng? - Ảnh 1
Người dân sau khi mua nhà tại chung cư Topaz City do Vạn Thái Land làm chủ đầu tư đã phải chịu cảnh mòn mỏi chờ sổ hồng

Chung cư Topaz City, nơi từng xảy ra nhiều tai tiếng về việc người dân phản đối về việc bàn giao sổ hồng. Topaz City nằm trong dự án thành phần Khu phức hợp thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ thuộc dự án Khu Công viên văn hóa - du lịch - thể thao tại phía nam đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP.HCM do Vạn Thái Land làm chủ đầu tư.

Được biết, dự án này được Vạn Thái Land mang đi thế chấp tại ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Tân Bình số tiền 450 tỉ đồng tại hợp đồng số 272/2016/BĐ. Trước đó, Sở TN&MT TP.HCM cũng công bố dự án này thuộc một trong những dự án bất động sản đang bị thế chấp cho ngân hàng để người mua tránh gặp phải những rủi ro.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm thông báo tình trạng pháp lý cho người mua nhà. Tổ chức tín dụng nhận thế chấp phải kiểm tra dự án, thông báo cho các văn phòng đăng ký, môi giới BĐS, cho người mua nhà biết tình trạng dự án.

Đến nay, vẫn chưa thấy Vạn Thái Land thông báo về việc dự án đã được giải chấp hay chưa? Chỉ biết rằng, hàng trăm cư dân tại chung cư Topaz City đã phải sống trong cảnh mòn mỏi chờ sổ hồng, mặc dù họ đã thanh toán phần lớn số tiền đủ theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi bỏ ra tiền tỉ để mua nhà, dọn về ở đã gần 2 năm nhưng chưa nắm được chủ quyền căn hộ là sổ hồng. Nhiều người dân bức xúc đã liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư những cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn.

Mua dự án cầm cố, rủi ro về tay khách hàng

Luật sư Trương Minh Hiếu từ Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Ở Việt Nam, người mua nhà hình thành trong tương lai gặp rất nhiều rủi ro bởi chủ đầu tư vừa vay tiền ngân hàng vừa huy động vốn từ người mua bằng nhiều hình thức khác nhau”.

Dòng tiền của khách hàng không được cơ quan nào giám sát minh bạch dẫn đến chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn sai mục đích, đầu tư một lúc nhiều dự án cùng lúc. Do đó, nguy cơ chậm bàn giao nhà, thậm chí dự án đổ bể là điều dễ xảy ra.

Tại sao khách hàng dự án Topaz City chưa có sổ hồng? - Ảnh 2

Thế chấp là một trong những lý do khiến chung cư không thể ra sổ hồng

Căn cứ vào khoản 1 điều 147 Luật Nhà ở, chủ đầu tư phải giải chấp nhà ở trước khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng, trừ trường hợp khách hàng và ngân hàng đồng ý, luật sư Hiếu khẳng định thêm. Trong đó, giải chấp được hiểu là giải trừ thế chấp đối với tài sản đang ở ngân hàng. Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng mua bán phải được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.

Mặt khác, tại điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP cũng quy định người mua nhà và ngân hàng vẫn có thể thống nhất về việc không cần giải chấp, và khi đó dự án nhà ở này vẫn được phép mua bán. Nhằm minh bạch hóa thông tin cho người mua nhà, Sở Xây dựng TP.HCM đã công khai nhiều dự án đang thế chấp ở ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp chủ đầu tư đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất của dự án không thực hiện việc chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (từng nhà ở). Từ đó dẫn đến nghịch lý, ngân hàng đang nhận thế chấp quyền sử dụng đất là thuộc phần sở hữu chung của dự án, chứ không thuộc sở hữu riêng của nhà ở, căn hộ nào, nên không còn giá trị xử lý tài sản với từng nhà ở, căn hộ với người mua (đăng ký thế chấp tài sản nào thì chỉ được xử lý tài sản ấy). Nếu xảy ra tranh chấp, chính khách hàng phải khởi kiện chủ đầu tư trong một vụ án dân sự để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, luật sư Hiếu viện dẫn Nghị định trên.

Cuối cùng, vẫn là người mua nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua nhà ở hình thành trong tương lai. Chẳng có ai lại muốn hay đồng ý chuyện căn hộ hay đất dự án mà mình mua lại bị chủ đầu tư mang đi cầm cố ngân hàng. Bản thân chủ đầu tư cũng chẳng dại gì thông tin dự án được cầm cố cho ngân hàng đến tai khách hàng. Mà chuyện cầm cố dự án này thường chỉ phía chủ đầu tư và phía ngân hàng nắm rõ mà thôi.

 

Hàng loạt vi phạm “khủng” tại KĐT Vân Canh, vì sao không thể xử lý?

Nhà xây vượt tầng, thay đổi thiết kế, nhà kho, xưởng mọc lên tràn lan kinh doanh trái phép,... hàng loạt vi phạm về trật tự xây dựng tại KĐT Vân Canh (Hoài Đức) không thể xử lý vì chính quyền ... bận nhiều việc.

TIN MỚI NHẤT