Phân biệt say nắng và say nóng: Biết để có cách sơ cứu đúng nhất

Sống khỏe 01/06/2018 16:52

Cùng là do thời tiết nắng nóng nhưng say nắng và say nóng rất khác nhau, nếu không biết cách phân biệt thì việc sơ cứu sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Say nắng, say nóng là tình trạng thường xảy ra vào những ngày hè oi bức và có những biểu hiện gần giống nhau nên khiến nhiều người nhầm lẫn. Điều này sẽ dẫn đến việc sơ cứu không đúng cách làm tình trạng càng thêm trầm trọng như bị co giật, hôn mê thậm chí tử vong.

Phân biệt say nắng và say nóng: Biết để có cách sơ cứu đúng nhất - Ảnh 1
Say nắng và say nóng rất dễ bị nhầm lẫn với nhau - Ảnh minh họa: Internet

Cách phân biệt say nắng và say nóng cần ghi nhớ

Say nắng

Nguyên nhân: Tiếp xúc trực tiếp trong thời gian lâu dưới ánh nắng mặt trời (nhất là tia nắng chiếu thẳng vào vùng gáy - nơi tập trung nhiều dây thần kinh).

Triệu chứng: Thường gặp là nhức đầu, đổ nhiều mồ hôi, mặt đỏ, lừ đừ, khó thở, có khi đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, sốt cao từ 39 - 41 độ C, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Trường hợp nặng hơn sẽ rơi vào mê sảng, co giật, bất tỉnh và dễ tử vong.

Phân biệt say nắng và say nóng: Biết để có cách sơ cứu đúng nhất - Ảnh 2
Say nắng xảy ra khi nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời quá lâu - Ảnh minh họa: Internet

Cách sơ cứu: Nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi mát mẻ, dùng khăn lạnh đặt vào vùng cổ, nách và bẹn để làm mát thân nhiệt. Đồng thời nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để chữa trị kịp thời.

Say nóng

Nguyên nhân: Làm việc ở môi trường nhiệt độ cao như hầm xe, phòng kín ngột ngạt, trên tàu xe chật chội... trong thời gian dài. Điều này dẫn đến thân nhiệt tăng cao và gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng.

Triệu chứng: Rất giống với nhiễm virus bao gồm mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau đầu và đau cơ, hoa mắt, chuột rút, nhiệt độ thường trên 37 độ nhưng không quá 40 độ.

Say nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng bất thường nhưng không quá 40 độ C - Ảnh minh họa: Internet

Cách sơ cứu: Chuyển người bị say nóng đến chỗ thông thoáng, cởi bớt trang phục, đồng thời cho uống nhiều nước để hạn chế những triệu chứng mất nước. Nếu nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê, co giật, thở khó khăn... cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được cấp cứu.

Cách phòng ngừa say nắng và say nóng

- Mùa hè trời nắng, cơ thể dễ bị mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi. Do đó, bạn cần uống nhiều nước, tốt nhất từ 1,5 - 2 lít nước/ngày. Thường xuyên uống nước dù chưa khát, nên dùng nước pha muối hoặc tốt nhất là oresol, trái cây.

Phân biệt say nắng và say nóng: Biết để có cách sơ cứu đúng nhất - Ảnh 3
Uống nhiều nước là cách phòng ngừa các vấn đề liên quan đến nhiệt độ hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

- Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng. Tốt nhất nên nghỉ từ 15 - 20 phút ở nơi mát mẻ sau khoảng 1 tiếng làm việc ngoài trời.

- Hạn chế ra ngoài từ 11 giờ đến 16 giờ là cách tốt nhất để tránh bị say nắng hay say nóng.

- Mặc quần áo rộng, thoáng mát, màu nhạt để không hút nhiệt từ môi trường và dễ thấm mồ hôi hơn.

Với cách phân biệt say nắng và say nóng ở trên, hy vọng mọi người sẽ ghi nhớ để có cách sơ cứu hợp lý nhất. Chúc bạn luôn khỏe mạnh trong mùa hè nắng nóng này nhé!

Bác sĩ chỉ cách sơ cứu cho thai phụ bị say nắng, say nóng

Thời tiết mùa hè nắng nóng dễ khiến mọi người rơi vào trạng thái mệt mỏi, nhất là mẹ bầu. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Sơn cũng đã chỉ cách sơ cứu cho phụ nữ mang thai bị say nắng, say nóng.

TIN MỚI NHẤT