Tìm thấy chất kịch độc giống như lá ngón có trong quả hồng châu khiến 11 trẻ ngộ độc: 5 loại cây cảnh khác cần cẩn trọng

Sức khỏe 02/08/2023 12:44

Quả hồng châu chứa một độc tố có tên là Alcaloid, loại độc tố này kịch độc giống như lá ngón.

Thông tin từ Báo Phụ Nữ Việt Nam cho hay quả hồng châu khá hiếm gặp, chủ yếu xuất hiện ở vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, ... là loại thực vật thân leo, vỏ cây có gai nhọn và cứng, lá hồng châu là dạng lá dài, khoảng 11 – 12 cm, và có chiều ngang tương đương với 2 ngón tay người lớn. Quả hồng châu tròn to bằng khoảng nắm đấm tay của trẻ em, vỏ nhẵn mượt không có lông, loại quả này khá hút mắt vì khi quả non vỏ có màu xanh nhạt, đến khi chín chuyển thành màu tím, hơi mềm. Bên trong quả có lớp vỏ màu hồng, có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp.  

Trong quả hồng châu, cụ thể là hạt của chúng có chứa một độc tố có tên là Alcaloid. Loại độc tố này không chỉ có ở quả hồng châu mà còn chứa trong nhiều loại thực vật khác, điển hình như lá ngón, cà độc dược, ...

Tìm thấy chất kịch độc giống như lá ngón có trong quả hồng châu khiến 11 trẻ ngộ độc: 5 loại cây cảnh khác cần cẩn trọng - Ảnh 1
Từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa nở rộ của quả hồng châu. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid cũng có thể gây chết người. Đặc biệt, các alcaloid trong thực vật thường ở dạng muối của các axit hữu cơ như axit malic, limonic, oxalic, succinic... dễ tan trong nước. Vì vậy nên dễ được hấp thu qua bộ máy tiêu hoá của người và động vật, gây độc mạnh.

Theo kết quả thử nghiệm trên động vật, liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng.

Khi bị ngộ độc quả hồng châu, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt. Độc tố từ quả hồng châu sẽ nhanh chóng tác động đến tim mạch và phổi, gây ra hiện tượng suy hô hấp phù phổi cấp tính và trụy tim nếu như không được cấp cứu kịp thời.

Thông tin từ Báo VTV trước đó, theo gia đình nạn nhân, vào dịp nghỉ hè không phải đi học, con em các gia đình đi cắt cỏ cho gia súc xong rồi rủ nhau đi hái quả hồng châu ăn. Đến cuối buổi chiều 31/7, tất cả 11 trẻ ở 2 thôn sau khi ăn quả hồng châu đều xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và đã được đưa đến cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.

Ngay sau khi tiếp nhận 11 nạn nhân, Bệnh viện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn cấp cứu, xử trí bằng phương pháp thải độc, gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu.

Sau nhiều giờ điều trị tích cực, đến đầu giờ chiều 1/8, tình trạng của 6/11 trẻ đã tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, có 5 trẻ được các y, bác sĩ bệnh viện chẩn đoán suy đa phủ tạng và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND huyện Đồng Văn đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình; đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn phối hợp với các cơ quan chuyên môn điều trị, chăm sóc tốt nhất cho các nạn nhân.

Một số loại cây cảnh có thể gây ngộ độc cho trẻ nếu vô tình ăn phải

Theo bài đăng trên Báo PLO, một số loại cây cảnh quen thuộc thường được trồng và làm cây cảnh trong gia đình, tưởng vô hại nhưng chúng lại chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải. Chúng ta cần cẩn trọng với chúng như:

- Cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); toàn thân có chứa nhựa mủ trắng chứa glycoside tim, gây độc mạnh cho cơ thể người và động vật khi nhiễm liều cao. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố, đặc biệt hạt có độc tính cao nhất. Nuốt hạt có thể dẫn tới tử vong, mủ khi dính vào da có thể gây dị ứng, bỏng rộp tùy cơ địa từng người, mủ dính vào mắt gây tổn thương giác mạc.

- Cây Trúc đào (Nerium oleander L.): Tương tự thông thiên, cây trúc đào toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, axit hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.

 

Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).

Tìm thấy chất kịch độc giống như lá ngón có trong quả hồng châu khiến 11 trẻ ngộ độc: 5 loại cây cảnh khác cần cẩn trọng - Ảnh 2
Hoa cây đai vàng. Ảnh: Internet

- Cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.) và Bông tai (Asclepias curassavica L.)… hai loại này tương tự như trúc đào và thông thiên đều có chứa Glycosid tim.

 

- Cây thầu dầu (Ricinus communis L.) và cây ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa protein độc (Toxalbumin).

 

Thầu dầu là một loại cỏ dại, hạt, hoa và lá của cây có độc. Nếu trẻ nhai và nuốt một vài hạt có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau dạ dày.

Còn cây ngô đồng thì chứa chất curcin trong thân, củ, lá và đặc biệt là hạt. Chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.

 

- Cây kim tiền

Trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu trẻ ăn phải. Nặng hơn sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực.

 

 

Nước tiểu đổi màu có phải dấu hiệu của bệnh?

Màu sắc nước tiểu là một trong những yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nước tiểu có màu bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý bên trong cơ thể.

TIN MỚI NHẤT