Thấy 4 dấu hiệu này nên đi khám trào ngược dạ dày thực quản sớm

Sức khỏe 31/03/2023 07:15

Trào ngược dạ dày thực quản nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm loét nặng, thậm chí gây ung thư thực quản. Vậy dấu hiệu nào giúp nhận biết sớm bệnh trào ngược dạ dày thực quản?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản hay còn được gọi là trào ngược axit dạ dày. Đây là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản.

Dạ dày và thực quản được ngăn cách bởi cơ thắt thực quản dưới. Với cơ chế van một chiều, khi nuốt thức ăn cơ thực quản sẽ mở ra rồi đóng lại để ngăn không cho thức ăn đi ngược trở lại đường vào.

Nếu cơ thực quản hoạt động yếu hoặc cấu tạo bất thường, áp lực không đủ để đóng van sẽ gây ra hiện tượng trào ngược. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra nhưng hầu hết là do cơ thực quản dưới suy yếu kết hợp với lượng axit dạ dày dư thừa quá nhiều.

Thấy 4 dấu hiệu này nên đi khám trào ngược dạ dày thực quản sớm - Ảnh 1

Ăn uống không khoa học là nguyên nhân gây ra các bệnh đường tiêu hóa trong đó có trào ngược dạ dày thực quản. Ảnh minh họa

Thói quen xấu gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, có nhiều thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày dẫn tới bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trong đó phải kể đến:

- Uống nhiều rượu, bia, nước có gas: Những người thường xuyên sử dụng các loại chất kích thích, đồ uống có cồn, nước ngọt có gas, cà phê,… có thể gây hại cho cơ thắt thực quản, lâu ngày sẽ dẫn đến mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

- Ăn uống không khoa học: Thói quen ăn uống vô tội vạ, ăn nhiều đồ dầu mỡ, chiên xào, ăn đồ khó tiêu, đồ cay nóng, đồ ăn nhanh,… sẽ gây hại cho dạ dày, gây tiêu hóa kém dẫn đến ứ đọng thức ăn, từ đó sẽ khiến thực quản bị ảnh hưởng và gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

- Lạm dụng thuốc: Thói quen tự ý mua thuốc uống chữa bệnh, nhất là các nhóm thuốc huyết áp, Aspirin, Ibuprofen, Glucagon,… nếu bị sử dụng quá nhiều (lạm dụng) sẽ gây ảnh hưởng đến cơ thực quản và niêm mạc dạ dày.

- Các yếu tố khác: Những nguyên nhân như béo phì, căng thẳng stress, lười vận động, vận động ngay sau khi ăn, lo lắng quá độ,… cũng có thể khiến viêm đau dạ dày và gây trào ngược dạ dày thực quản.

Thấy 4 dấu hiệu này nên đi khám trào ngược dạ dày thực quản sớm - Ảnh 2

Ợ hơi, ợ nóng, nóng rát cổ họng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ảnh minh họa

4 dấu hiệu cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày thực quản

1. Ngứa ở họng và ho

Theo bác sĩ Thắng, một trong những dấu hiệu sớm của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là người bệnh thấy ngứa ở họng và ho. Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị ho liên tục và bị khản giọng.

Nếu trào ngược axit đi qua cơ vòng thực quản trên, nó có thể xâm nhập vào cổ hầu họng và ngay cả thanh quản, gây ra ho hoặc đau họng.

Nếu có trào ngược axit vào ban đêm thì có thể gây ra ho mạn tính, viêm thanh quản và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

2. Nóng rát, ợ hơi, ợ nóng - Dấu hiệu đặc trưng của trào ngược dạ dày thực quản

Cảm giác ợ hơi, ợ nóng, nóng rát cổ họng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh sẽ ợ hơi thường xuyên để đẩy bớt lượng khí trong dạ dày ra ngoài, giảm khó chịu cho dạ dày.

Hiện tượng nóng rát, ợ nóng là do dịch axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và khi axit dịch vị tiếp xúc với lớp niêm mạc thực quản gây bỏng rát, nóng như lửa. Dấu hiệu này thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ hoặc ợ nóng nhiều khi đói bụng.

3. Đau tức ngực

Trào ngược dạ dày không chỉ làm cho axit mà đôi khi cả thức ăn bị tràn lên thực quản, làm người bệnh cảm thấy căng tức, đau ở ngực và khó chịu.

Do vậy, khi cơ thể xuất hiện cơn đau tức ngực thường xuyên kèm theo ợ nóng thì hãy nghĩ đến việc đi thăm khám bác sĩ tiêu hóa vì đây là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Thấy 4 dấu hiệu này nên đi khám trào ngược dạ dày thực quản sớm - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Tình trạng đau tức ngực xảy ra vì hàm lượng axit dạ dày tràn vào thực quản gây tổn thương và bào mòn lớp niêm mạc thực quản.

Hiện tượng đau tức ngực thường nặng hơn khi vận động, đau nhiều sau khi ăn do dạ dày bị quá tải và tập thể dục hay làm việc di chuyển nhiều.

4. Hơi thở có mùi hôi

Tình trạng hơi thở có mùi là một trong những biểu hiện thường gặp nhất ở người bị bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do khi dạ dày co bóp nhiều sẽ làm cho hơi từ dạ dày bị đẩy lên khoang miệng nhiều, gây ra mùi hôi khó chịu.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại khiến người bệnh khó chịu mỗi khi bị thức ăn hay dịch vị bên dưới dạ dày đẩy ngược lên thực quản. 

Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc chống trào ngược, các loại men giúp hỗ trợ tiêu hóa, ổn định đường ruột làm giảm các triệu chứng buồn nôn, khó chịu do trào ngược gây ra.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, người bị trào ngược dạ dày thực quản cũng cần loại bỏ những thói quen không tốt trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, tăng cường tập luyện thể thao để giảm stress, nâng cao sức khỏe, cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

Cân bằng dinh dưỡng – giải pháp phòng tránh bệnh mãn tính không lây

Dù là bệnh lây nhiễm hay không lây, ngày nay có lẽ chúng ta không nên chủ quan trước những biến chứng khôn lường của bất kì loại bệnh nào. Hiểu đúng về các tác nhân gây bệnh, mỗi người có thể hạn chế rủi ro mắc bệnh thông qua chính những thói quen lành mạnh, cân bằng trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

TIN MỚI NHẤT