Suýt mất mạng vì uống 2 đến 3 chai nước ngọt mỗi ngày

Sức khỏe 24/05/2023 19:44

Bệnh nhân thường uống 2 đến 3 chai nước ngọt mỗi ngày mà không biết mình mắc bệnh tiểu đường, dẫn đến đường huyết tăng 3-5 lần, hôn mê.

Dẫn nguồn tin từ VNExpress, chị Nguyễn Thị Ngọc (50 tuổi, quận 12) đang làm việc bỗng choáng váng, mệt, khó thở, lơ mơ, được đồng nghiệp đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào sáng 22/5.

BS.CKI Nguyễn Hoàng Khương tiếp nhận người bệnh trong tình trạng lơ mơ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đường huyết ở mức 500 mg/dl, gấp 3-5 lần bình thường. Chỉ số HbA1C (đánh giá đường huyết trong vòng 3 tháng) tăng 11,22% (bình thường là 4-5,6%). Huyết áp tụt còn 83/50 mmHg, kali máu giảm.

Suýt mất mạng vì uống 2 đến 3 chai nước ngọt mỗi ngày  - Ảnh 1
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: VNExpress 

Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tiểu đường nhưng không điều trị dẫn đến tăng đường huyết, hạ kali, tụt huyết áp, hôn mê. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy kịch đến tính mạng. Sau khi truyền bù dịch, điện giải và insulin, người bệnh tỉnh táo, hết khó thở, tiếp tục theo dõi tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường.

Tỉnh dậy trên giường bệnh, chị Ngọc cho biết, bất ngờ khi bác sĩ thông báo bị tiểu đường. Chị là phụ hồ tại công trình xây dựng, khuân vác vật nặng, làm ngoài nắng liên tục, thường uống 2-3 chai nước ngọt và các loại nước mát, thảo dược (gừng, cỏ mần trầu...) chứa nhiều đường mỗi ngày.

Trước đó vào tháng 2/2022, theo nguồn tin từ VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) có tiếp nhận một bệnh nhi nữ, 13 tuổi, quê ở Cà Mau. 

Người nhà cho biết em có thói quen uống rất nhiều nước ngọt. Có lúc em uống 3,4 chai nước ngọt có gas loại 1,5 lit mỗi ngày. Đỉnh điểm nhất là từng uống gần hết thùng nước trà xanh mà công ty mẹ tặng dịp Tết.

Tối 14/2, em được đưa đến bệnh viện địa phương khi đang vật vã. Đường huyết ghi nhận khi đó hơn 1500 mg/dl. Em lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt. Bệnh nhi nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, tiêm thuốc insulin đặc trị đái tháo đường.

Suýt mất mạng vì uống 2 đến 3 chai nước ngọt mỗi ngày  - Ảnh 2
Bệnh nhi được cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, vật vã do biến chứng đái tháo đường - Ảnh: VietNamNet 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh đái tháo đường ở trẻ em là một bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ chất đường.

Biến chứng cấp ở trẻ bị tiểu đường là hôn mê, nhiễm toan ceton máu. Lúc này, trẻ có biểu hiện rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê, thở nhanh, mất nước. Các dấu hiệu trên thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác. Trẻ có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tiểu đường là bệnh mạn tính với đặc trưng là đường huyết cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân do tuyến tụy không sản xuất hoặc sản xuất ít insulin, tế bào trong cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả. Theo bác sĩ, nhiều người tiểu đường không biết mắc bệnh do không nhận ra triệu chứng như: khát nước và uống nhiều nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, ăn nhiều nhưng sụt cân... Nhiều trường hợp vô tình phát hiện tiểu đường khi khám sức khỏe hoặc bệnh trở nặng, biến chứng.

5 cách dễ dàng để giảm cholesterol và hạ huyết áp!

Huyết áp cao và mức cholesterol cao chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rất nhiều bệnh cho cơ thể bạn!

TIN MỚI NHẤT