23 tuổi đã hoại tử hậu môn vì trĩ: Bác sĩ chỉ nguyên nhân cả triệu người trẻ mắc

Sống khỏe 14/10/2019 05:18

Bệnh trĩ là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến ở Việt Nam với khoảng 30 – 50 % người bị bệnh. Các nhà chuyên môn cho biết, xu hướng bệnh này càng tăng thêm.

Hoại tử hậu môn vì trĩ

Suốt một tháng qua đi đại tiện đau và có máu nhưng Đỗ Thị Hương (23 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngại không đi khám bệnh. Hương kể trước đó đi khám một lần và chẩn đoán trĩ nội chắc thời gian vừa qua do cô stress nên bệnh tái phát.

Tuy nhiên, tình trạng chảy máu kèm theo bắt đầu có búi trĩ sa xuống gây đau, mệt mỏi đặc biệt là lúc làm việc Hương luôn phải nhăn nhó.

Hương đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô bị trĩ ngoại, búi trĩ bắt đầu sa xuống. Trước đó, Hương bị trĩ nội và điều trị không triệt để dẫn tới búi trĩ ra nặng.

23 tuổi đã hoại tử hậu môn vì trĩ: Bác sĩ chỉ nguyên nhân cả triệu người trẻ mắc - Ảnh 1

GS Nguyễn Khánh Trạch tư vấn cho bệnh nhân

Khi bác sĩ tư vấn, Hương chợt nhận ra cô giữ toàn thói quen xấu ảnh hưởng tới sức khỏe và bệnh của mình. Suốt thời gian đi làm, lúc nào cô cũng ngồi ì một chỗ, rất ngại đi lại. Thói quen ăn nhiều đồ ăn nhanh, lười uống nước. Đủ thứ lý do đưa ra khiến tình trạng trĩ càng nặng hơn.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng vừa tiếp nhận một trường hợp nữa bệnh nhân 31 tuổi, quê Bắc Giang bị sa búi trĩ kèm theo hoại tử nặng. Bệnh nhân bị trĩ từ năm 20 tuổi nhưng không đến bệnh viện điều trị. Thời gian gần đây bắt đầu có búi trĩ sa xuống hậu môn. Bệnh nhân đã đi mua thuốc nam về bôi để teo búi trĩ.

Tuy nhiên, sau 2 tuần bôi thuốc thì bị hoại tử nặng kèm theo tắc mạch, nhiễm khuẩn vùng hậu môn trực tràng. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật đặt hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân và việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian, nhiều ca mổ do hậu môn bị biến chứng nặng.

23 tuổi đã hoại tử hậu môn vì trĩ: Bác sĩ chỉ nguyên nhân cả triệu người trẻ mắc - Ảnh 2

Bệnh trĩ chủ yếu do thói quen sinh hoạt chưa khoa học.

Các bác sĩ cho rằng bệnh trĩ là bệnh phổ biến nhưng nếu tự điều trị, tự mua thuốc bôi có nguy cơ biến chứng nặng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh.

PGS.TS Triệu Triều Dương – Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết những bệnh nhân trĩ thường kèm theo các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng như sa sàn chậu, rò hậu môn, áp xe hậu môn, nứt kẽ hậu môn, u trực tràng, sa niêm mạc trực tràng, sa sinh dục, táo bón, són tiểu…

Nguyên nhân gây ra trĩ

Theo GS Nguyễn Khánh Trạch – Chủ tịch hội Nội khoa Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa An Việt số người trẻ tìm đến khám vì bệnh trĩ ngày càng tăng. Đa số họ đều có chung những thói quen xấu ảnh hưởng tới sức khỏe như lười vận động, ngồi nhiều, ăn uống không khoa học.

Bệnh trĩ có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng hiện nay ở người trẻ, thủ phạm gây ra trĩ chủ yếu do lối sống, cách làm việc dẫn tới bệnh lý đường tiêu hóa cũng như bệnh trĩ gia tăng. Ngồi quá lâu khi làm việc, chơi điện tử, xem tivi, tất cả đều có nguy cơ gây trĩ.

Đặc biệt, các nghiên cứu cũng cho thấy ngồi quá lâu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ 72.9%, trong khi đó phần đa những người thường xuyên vận động sẽ chỉ có nguy cơ là 43%. Vì vậy, nhân viên văn phòng sau khoảng thời gian ngồi từ 45 đến 60 phút thì nên đứng lên và vận động, đi lại một chút.

Trong chế độ ăn uống, thói quen ăn nhiều gia vị cay, nóng có thể làm tắc nghẽn xoang hậu môn, gây trĩ và chảy máu. Trường hợp này càng gặp nhiều hơn ở những bệnh nhân bị chảy máu đường ruột nhưng vẫn uống rượu và ăn thức ăn nhiều gia vị. Vì thế, theo GS Trạch bất cứ ai cũng nên hạn chế ăn quá nhiều gia vị.

Hiện nay, thói quen ngồi đại tiện lâu cùng với cách chơi điện tử hay lướt điện thoại. Thói quen này rất nhiều người mắc mà không biết rằng đây là cách góp phần gây ra bệnh trĩ. Khi vừa đọc sách, vừa xem điện thoại, xem báo quá lúc đi đại tiện sẽ làm cho hậu môn mở kéo dài thúc đẩy sự tích tụ chất thải, giảm máu tĩnh mạch ở khu vực này, lâu ngày dẫn đến bệnh trĩ.

Ngoài ra, uống quá ít nước có thể gây ra táo bón và trĩ, vì vậy, đừng bao giờ để cơ thể bạn bị thiếu nước. Uống nước không chỉ đóng vai trò tốt trong công tác phòng chống táo bón và bệnh trĩ mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.

Với những người bị trĩ nhẹ, cần ăn nhiều rau xanh để chống táo bón. Đặc biệt, GS Trạch nhấn mạnh phải chú ý tập thể dục để làm săn chắc cơ bụng, cơ hậu môn. Phương pháp này áp dụng trong điều trị tất cả các loại trĩ, có hiệu quả cao để ổn định bệnh hoặc tránh tái phát trĩ.

Tuy nhiên, nếu bị trĩ độ nhẹ có thể chỉ cần điều trị nội khoa là khỏi, nhưng nếu trĩ nặng thì phải kết hợp cùng với một phương pháp khác.

Dấu hiệu khiến nhiều người nhầm lẫn ung thư ruột với bệnh trĩ

Dấu hiệu máu trong phân thường là biểu hiện của bệnh trĩ, đồng thời cũng có thể là bệnh ung thư đường ruột, bác sĩ chỉ ra 3 cách phân biệt rất dễ dàng.

TIN MỚI NHẤT