Mẹ rửa mũi cho con hàng ngày, bác sĩ nhi khẳng định "làm bé dễ ốm hơn"

Nuôi dạy con 19/06/2023 19:37

Khi bé đang khỏe mạnh, việc mẹ rửa mũi cho con là không cần thiết.

Vào thời điểm giao mùa, nhiều trẻ thường xuyên bị sổ mũi, nghẹt mũi. Nhiều cha mẹ lựa chọn phương pháp rửa mũi thường xuyên cho con để giúp giảm triệu chứng và phòng các bệnh hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, việc này không những không đạt hiệu quả như mong muốn mà còn gây ra những hệ lụy tới sức khoẻ như kích ứng niêm mạc mũi, làm tình trạng viêm nặng hơn.

PGS.TS.BS chuyên khoa Nhi Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Không cần thiết phải làm như vậy, đó là cách làm sai. Khi nào con ốm mới cần phải vệ sinh mũi hàng ngày cho bé. Đừng làm hại trẻ con nữa.

Lý do không nên vệ sinh mũi cho bé hàng ngày kể cả bằng nước muối sinh lý là vì cấu trúc, niêm mạc mũi có hệ thống luân chuyển, rung liên tục để nếu như hít phải các bụi bặm, virus, vi khuẩn, các tác nhân gây bệnh... thì ngay lập tức nó rung chuyển để đẩy chúng ra ngoài. Đôi khi có thể tiết dịch một chút, đồng thời hắt hơi, sổ mũi để đẩy bụi bẩn, giúp vi khuẩn ra ngoài.

Đó là quá trình miễn dịch của cơ thể. Như vậy khi con không bị bệnh, mũi đang ở trạng thái sạch nhất, đôi khi rửa lại khiến mũi con bẩn thêm nếu tay chân bố mẹ, dụng cụ rửa mũi không sát trùng, lọ nước muối sinh lý để quá lâu cũng tự nhiễm trùng. Thế nên bố mẹ hãy bỏ thói quen rửa mũi hàng ngày khi con đang khỏe mạnh. Trên thực tế, bé nào bị rửa đi rửa lại mũi hàng ngày đều xảy ra tình trạng ốm đau triền miên, không khỏi hẳn".

Vệ sinh mũi cho trẻ quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc mũi hoặc làm mất đi chất dịch bảo vệ tự nhiên. Trong cấu trúc niêm mạc mũi của chúng ta có hệ thống lông chuyển và tế bào biểu mô, kết hợp với hệ miễn dịch bẩm sinh trong cơ thể.

Vì vậy, khi trẻ bị bệnh hoặc bị kích ứng, mẫn cảm với yếu tố nào đó, dẫn tới tình trạng đường thở bị hẹp lại với các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, sổ mũi... Lúc này, cha mẹ mới nên vệ sinh mũi cho con để làm giảm triệu chứng, phòng bệnh tiến triển nặng hơn.

Mẹ rửa mũi cho con hàng ngày, bác sĩ nhi khẳng định 'làm bé dễ ốm hơn' - Ảnh 1

Vào các giai đoạn chuyển mùa, bé rất hay bị ốm, sổ mũi, vậy nên phòng tránh bệnh cho con bằng cách như sau:

- Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý

Trường hợp trẻ trong giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ cần ăn uống đủ 4 nhóm chất, uống bổ sung nước cam để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ. Cho bé bú nhiều lần trong ngày, không nên cho trẻ bú quá no dẫn đến nôn trớ. Sau khi bú, nên bế trẻ khoảng 15 - 20 phút để tránh trẻ trớ.

- Đảm bảo phòng ngủ thông thoáng, sạch sẽ

Phòng ngủ của trẻ sơ sinh không để gió lùa nhưng không để kín, bí dẫn đến không khí trong phòng không lưu thông, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển gây bệnh ở trẻ. Có thể lắp đặt máy lọc không khí trong phòng để lọc bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc... cũng như duy trì độ ẩm không khí luôn ở mức có lợi cho trẻ.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các dị nguyên độc hại

Khi trong nhà có trẻ nhỏ, nên tránh để trẻ phải tiếp xúc với những loại khói bụi độc hại như khói thuốc lá, khói bếp, khói than... Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế cho trẻ ngửi các mùi dễ kích ứng như nước hoa, phấn hoa... Ngoài ra cũng nên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, đồ chơi của bé thường xuyên.

Cách vệ sinh mũi họng cho bé:

- Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm gỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để gỉ mũi mềm và bong ra.

- Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.

- Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn.

 

Mẹ bầu chảy máu sau khi làm “chuyện ấy”: Báo động đỏ về những bệnh lý nguy hiểm

Sau chuyện chăn gối vợ chồng, mẹ bầu phát hiện chảy máu ở âm đạo và rất lo lắng. Trên thực tế, đây có phải là biểu hiện nguy hiểm?

TIN MỚI NHẤT