Nhìn từ vụ Khải Silk: Ăn vụng thì giỏi, chùi mép thì nhanh

Đời sống 27/10/2017 15:46

Sự dối trá trong môi trường kinh doanh từ lâu đã không còn là điều gì xa lạ với nhiều người. Nhưng đã dối trá lâu năm còn bày đặt ngụy biện ngày kia, quả thật chẳng ai trơ trẽn như Khải Silk, một tên tuổi đang nổi như cồn trên mặt báo và các phương tiện truyền thông.

Nhắc tới Khải Silk, người ta không thể không liên tưởng tới những ngôi biệt thự sang chảnh rải rác khắp Sài Gòn. Sau vụ khăn lụa nhập nhèm thương hiệu của ông ta, có khi nhiều người từng ghé nhà hàng ChamCham cũng đang hoài nghi về cái hầm rượu xịn, biết đâu cũng nhập hết thảy từ Trung Quốc, do Trung Quốc sản xuất?

Trục lợi trên những niềm tin

Khi sự ranh ma đi đêm đã thành quen thuộc, mấy ai cầm đèn soi rõ. Nhưng khi cái ma mãnh lừa lọc trong cách làm ăn kinh doanh của Khải Silk bị đưa ra ánh sáng, người tiêu dùng mới giật mình té ra lâu nay mình là đồ ngốc cho con cáo già lừa phỉnh mà cứ khơi khơi quàng lên cổ một thứ danh mác giả dối sau khi bỏ ra cả đống tiền.

Nhìn từ vụ việc con buôn đánh lận kiểu Khải Silk, hẳn chúng ta phải nhìn lại một cách sâu sắc. Trước giờ người tiêu dùng đã đối xử với anh ta thế nào, và anh ta đối xử với người tiêu dùng thế nào?

Xin anh đừng mạnh miệng nói ra những lời hoa mỹ có cánh, những tuyên ngôn đạo đức về niềm tin, khi cả xã hội không phải ai cũng là những kẻ “thấp kém”, những kẻ não ngắn để cho anh phỉnh lừa, trục lợi.

Nhìn từ vụ Khải Silk: Ăn vụng thì giỏi, chùi mép thì nhanh - Ảnh 1
Người ta đang nhìn lại những tuyên ngôn về kinh doanh của Khải Silk - Ảnh: Internet

Thời nào rồi mà mồm còn nhanh hơn não, khi lúc hưng thịnh, Khải làm mưa làm gió thị trường kinh doanh, làm mưa làm gió bởi những bài báo và các chương trình truyền hình với một phong thái diêm dúa mạo danh doanh nhân đạo đức?

Nhiều người cũng thừa nhận Khải mang khăn Tàu về rất khéo, nhiều người xài hàng của Khải sau nhiều năm màu vẫn đẹp. Thế nhưng, tôn trọng giá trị sản phẩm trong nước và trung thực trong kinh doanh, giữ đúng chữ Tín còn là điều cần và đủ hơn tất cả, ngoài chất lượng sản phẩm.

Ngần ấy năm, Khải đã làm gì để những thước lụa Việt Nam bị lãng quên và bày đặt mang cái thứ hàng Tàu về mà gắn mác Việt. Ông ta là một người kinh doanh, mà quá coi thường người dùng trong nước, bất chấp giá trị văn hóa dân tộc, bán rẻ mọi thứ lương tâm cuối cùng vì lợi nhuận đồng tiền, thử hỏi như vậy có được không?

Hay thật, lại có một con đường kiếm tiền hết sức bẩn thỉu là dựa trên cái vỏ đạo đức, cái vỏ từ thiện ru ngủ đám đông. Khi những con mồi say ngủ, cáo già sẽ khe khẽ đi lên và nhanh chóng đớp lấy những gì nó muốn. Không phải cứ có tiền thì nói con bò có 5 cái chân thì nó sẽ phải có 5 cái chân.

Người tiêu dùng có quyền đòi lại lẽ công bằng

Nhắc tới Khải Silk giờ đây, người ta cảm thấy có cái gì đó nghèn nghẹn, bất ngờ lẫn bực mình. Té ra lâu nay anh ta cho cả một đám đông người tiêu dùng ăn quả lừa. Nhất là những phụ nữ có tiền, có địa vị, sính hàng hiệu mà lỡ thành tín đồ của dòng khăn Khải Silk, hẳn cảm thấy uất ức muốn tìm bằng được anh ta để tìm sự công bằng. Người ta có thể bỏ một triệu hoặc vài chục triệu để mua một sản phẩm, thì người ta cũng có thể dùng cả trăm ngàn câu bực dọc để ném vào nhà sản xuất nếu như anh thật sự là một tên ma cô, trục lợi trên niềm tin ngắn hạn của kẻ khác.

Giờ đây, người ta cảm thấy chết nghẹn nếu đọc phải tuyên ngôn của Khải: “Tôi muốn trở thành nhà kinh doanh bán niềm hi vọng. Những thứ tôi muốn bán, mà người hưởng lại không mất tiền mua và tôi cũng chẳng thu được đồng nào. Đổi lại, tôi sẽ trở thành tấm gương cho lớp trẻ khởi nghiệp và có một nhân cách sống để có niềm tin vào cuộc sống”. Đọc những dòng tuyên ngôn đạo đức này của Khải, thì rõ rồi nhé anh không chỉ là trọc phú ngoa ngôn mà còn là nhà thuyết trình đại tài. 

Ở các nước châu Âu, hàng hóa Trung Quốc hay Việt Nam cũng đầy. Thế nhưng, nó chính danh và đúng nhãn mác. Chứ không nhập nhằng gian dối, "treo đầu dê, bán thịt chó" như mấy cái khăn của Khải Silk sản xuất. Vậy là đã rõ, Khải lừa đảo để kiếm lợi suốt ngần ấy năm. Giờ thì đừng ai dại mồm mà khen đại gia giàu có nhờ tài kinh doanh.

Người tiêu dùng hãy tỉnh ra, Việt Nam lấy đâu ra nhiều tơ tằm như vậy. Bao nhiêu ruộng dâu đã mất dần đi theo sự phát triển công nghiệp. Vậy thì Khải lấy đâu ra nhiều tơ lụa như vậy, hẳn không phải từ Trung Quốc hay sao?

Sai lầm của cá nhân nào cũng thể được bỏ qua khi anh ta biết chỉnh sửa. Nhưng sự dối trá thì thật khó để có thể đối thoại. Không cần phải tuyên ngôn phụ nữ nói riêng, khách hàng nói chung hãy cạch mặt cái thương hiệu khăn lụa của Khải Silk thì chắc nhiều người cũng đã muốn thế. Tạm không nói tới chuyện luật pháp, hãy nói về sự đúng đắn đàng hoàng trong cách làm ăn của Khải. Anh ta đã lừa dối khách hàng, lừa dối lối sống thì những điều ấy chỉ lương tâm con người mới có thể xét xử. Sự lừa dối kéo dài mấy chục năm trời kéo theo những sự lừa dối khác, những cộng sự trong những phi vụ làm ăn của Khải, vì lợi nhuận mà mờ mắt. Lừa dối đã thành tính dây chuyền, tính công nghệ.

Nếu ai đó nói hãy cho Khải một cơ hội, thì Khải đã bao giờ cho khách hàng của anh ta cơ hội hay chưa?

“Dù có bị phanh phui tội buôn gian bán lận thì Khải đã quá giàu sống 3 kiếp không hết tiền do lừa đảo khách hàng vài chục năm qua. Cảm giác kinh tởm khi nhớ lại những gì cậu ta chém gió ở các diễn đàn!” – nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã bức xúc khi viết về anh như vậy trên trang cá nhân của chị.

Chủ tịch làng nghề lụa Vạn Phúc: “Khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác là việc làm phi đạo đức”

Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa truyền thống Vạn Phúc, việc khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác là việc làm phi đạo đức trong kinh doanh, lừa dối khách hàng.

TIN MỚI NHẤT