Khủng hoảng danh tính – vốn là một giai đoạn phát triển tâm lý tự nhiên – đang có nguy cơ kéo dài và trở nên trầm trọng hơn ở người trẻ, trong bối cảnh xã hội hiện đại đặt nặng áp lực về thành tựu và hình ảnh cá nhân.
- Lắp mái che, trùm bạt cục nóng điều hòa có tốt không?
- Bất ngờ phát hiện viêm da ký sinh trùng nhờ mụn trứng cá trên mặt
Khi người trẻ không còn biết “mình là ai”
Trong xã hội hiện đại, nơi mà giới trẻ được khuyến khích thể hiện bản thân và lựa chọn con đường riêng, một nghịch lý đang dần lộ rõ: càng nhiều tự do, càng dễ hoang mang.
Không ít người trẻ hôm nay rơi vào trạng thái mơ hồ về chính mình – không biết mình thực sự là ai, tin vào điều gì, sống vì mục đích gì, và vai trò của mình trong xã hội nằm ở đâu.
Đó chính là biểu hiện của khủng hoảng danh tính – một thách thức tâm lý âm thầm nhưng phổ biến ở thế hệ đang trưởng thành trong kỷ nguyên số.
Theo nhà tâm lý học Erik Erikson, khủng hoảng danh tính là một giai đoạn phát triển tất yếu trong quá trình hình thành bản sắc cá nhân. Nếu không vượt qua được, cá nhân dễ lạc lối, mất phương hướng, ảnh hưởng đến nhân cách, khả năng ra quyết định và chất lượng sống lâu dài.
Người trẻ hôm nay sống trong một thời đại đầy cơ hội, được tự do thể hiện bản sắc cá nhân hơn bao giờ hết – nhưng cũng phải đối mặt với nhiều áp lực.
Khi những áp lực ấy tích tụ mà thiếu điểm tựa nội tâm vững vàng, khủng hoảng danh tính – vốn là một giai đoạn phát triển tâm lý tự nhiên – dễ trở nên kéo dài và trầm trọng hơn
Biểu hiện của khủng hoảng danh tính
Khủng hoảng danh tính không có “triệu chứng” cụ thể như một căn bệnh, nhưng lại âm thầm bào mòn động lực sống, sự tự tin và định hướng tương lai của người trẻ. Dưới đây là những biểu hiện phổ biến – đôi khi rất dễ bị bỏ qua hoặc hiểu lầm:
- Thay đổi định hướng liên tục nhưng không thực sự hiểu mình muốn gì
Nhiều người trẻ nhảy từ mục tiêu này sang mục tiêu khác: hôm nay muốn theo nghệ thuật, mai chuyển sang học đầu tư, tuần sau đăng ký khóa học khởi nghiệp.
Nhưng tất cả chỉ là “thử để đó”, không có sự kiên định hoặc chiều sâu khám phá. Đây không đơn thuần là tính tò mò hay linh hoạt, mà là dấu hiệu của sự mất phương hướng nội tại.
“Tôi cảm thấy mình chẳng phù hợp với cái gì lâu dài. Làm gì cũng thấy nửa vời, không đam mê thật sự,” – (Ngọc Linh, 21 tuổi, sinh viên năm 3) chia sẻ.
- So sánh quá mức và cảm giác “mình luôn kém hơn người khác”
Mạng xã hội, nơi mỗi người đều có thể trình diễn phiên bản hoàn hảo nhất của mình, khiến người trẻ dễ rơi vào vòng xoáy so sánh độc hại.
Nhìn bạn bè thành công, đi du lịch, khởi nghiệp, có mối quan hệ tốt đẹp… nhiều bạn trẻ bắt đầu cảm thấy bản thân vô dụng hoặc tụt lại phía sau.
Sự so sánh này kéo dài sẽ dẫn đến tự ti, áp lực vô hình, thậm chí là rối loạn cảm xúc, vì cảm thấy mình không bao giờ “đủ”.
- Mất động lực sống và không còn thấy ý nghĩa trong hành động hằng ngày
Người rơi vào khủng hoảng danh tính thường làm mọi việc trong trạng thái “cho có”, không thấy vui, không thấy buồn, chỉ là sống theo quán tính.
Dù có điều kiện học tập, làm việc, thậm chí sống trong môi trường đầy cơ hội, họ vẫn cảm thấy chán nản, mệt mỏi kéo dài, không lý giải được nguyên nhân.
“Em không biết em thích gì nữa. Có những giai đoạn em cứ thấy trống rỗng vậy đó…” – chia sẻ từ Minh Châu (22 tuổi, sinh viên năm cuối) trong một buổi trò chuyện nhóm về sức khỏe tinh thần.
- Xây dựng một “tôi ảo” xa rời bản chất thật
Một số người trẻ cố gắng xây dựng hình ảnh thật đẹp trên mạng xã hội: lifestyle chỉn chu, hình ảnh du lịch, lời nói tích cực, bài đăng truyền cảm hứng… nhưng thực tế bên trong lại trống rỗng, mất cân bằng, và không thật sự kết nối với chính mình.
Khi sự khác biệt giữa “tôi thể hiện” và “tôi thật” ngày càng lớn, người trẻ dễ rơi vào cảm giác giả tạo, mâu thuẫn nội tâm, và lâu dài có thể dẫn đến bất ổn tâm lý.
Trong một cuộc khảo sát tại Đại học FPT Hà Nội năm 2024, gần 30% sinh viên cho biết họ từng cảm thấy không biết mình là ai, và hơn 60% thay đổi mục tiêu học tập từ 2 lần trở lên trong 2 năm đầu đại học. Một phần trong số đó thừa nhận họ hành động chỉ để “không bị bỏ lại phía sau” chứ không thực sự hiểu điều mình muốn.
Vì sao người trẻ dễ rời vào khủng hoảng danh tính?
Khủng hoảng danh tính là hệ quả của nhiều yếu tố như áp lực xã hội, giáo dục và các vấn đề tâm lý.
Trước hết, mạng xã hội góp phần tạo ra một văn hóa so sánh khắc nghiệt. Hình ảnh hào nhoáng của người khác trên Facebook, Instagram hay TikTok khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy tự ti về bản thân.
Theo Medical News Today, khủng hoảng danh tính xuất hiện khi cá nhân “chất vấn hoặc đánh giá lại bản thân” – một trạng thái phổ biến ở tuổi vị thành niên, nhưng dễ trầm trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa.
Một nguyên nhân khác là áp lực phải “thành công sớm”. Xã hội hiện đại phần lớn tôn vinh tốc độ và thành tích, khiến nhiều người trẻ cảm thấy mình đang đi chậm.
Họ buộc phải tự định hướng nghề nghiệp, xây dựng hình ảnh cá nhân từ rất sớm – trong khi chưa có đủ trải nghiệm để hiểu rõ chính mình. Cùng lúc đó, nhà trường và gia đình vẫn còn đặt nặng thành tích mà xem nhẹ việc giáo dục về đạo đức, tư duy phản biện và giá trị sống.
Khi thiếu nền tảng nội tâm mà lại phải quyết định những vấn đề lớn, người trẻ dễ rơi vào trạng thái mông lung, lạc hướng
Erik Erikson – cha đẻ của khái niệm khủng hoảng danh tính - cho rằng giai đoạn vị thành niên là khi “một người thử nhiều vai trò để định hình bản thân”, việc thiếu không gian thử – sai an toàn, thiếu gợi mở về nội tâm khiến quá trình đó không thể hoàn thiện.
Để vượt qua khủng hoảng danh tính trong kỷ nguyên số
Trong một thời đại mà mọi người có thể là “bất kỳ ai” trên mạng xã hội, điều khó nhất lại là biết rõ mình thực sự là ai. Việc vượt qua khủng hoảng danh tính không đòi hỏi một “cuộc cách mạng” nội tâm ngay lập tức, mà là một hành trình dài – bắt đầu từ những bước nhỏ.
Đó có thể là việc tạm thời ngắt kết nối khỏi những nền tảng so sánh – để lắng nghe cảm xúc thật bên trong. Là dám thử, dám sai, nhưng không chạy theo kỳ vọng nhất thời. Là học cách sống chậm, chú ý đến những điều làm mình hạnh phúc, thay vì những điều khiến người khác ấn tượng.
Và khi cần, đừng ngại tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, mentor, hoặc một cộng đồng an toàn để được lắng nghe và đồng hành.
Giống như một chuyên gia tâm lý từng nói: “Danh tính không phải là điều bạn được gán cho, mà là điều bạn tự chọn và kiến tạo từng ngày.”
Trong kỷ nguyên số, người trẻ càng cần nhiều hơn sự kiên nhẫn, lòng dũng cảm và sự tỉnh táo – để sống đúng với bản sắc của chính mình, chứ không phải bản sao của đám đông.