Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về đề Ngữ văn bị chê 'cũ', giống đề thi thử tại địa phương

Đời sống 29/06/2023 20:36

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết, đề thi năm nay giữ ổn định. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa.

Theo thông tin từ VOV, tại buổi họp báo thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra chiều tối nay (29/6), có ý kiến cho rằng, Bộ GD- ĐT vẫn luôn nhấn mạnh đến vấn đề chống văn mẫu, nhưng đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay lại khá cũ kỹ, thiếu sự đổi mới, ngữ liệu trùng với đề thi thử của Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An và đề thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội 2023.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết, đề thi năm nay giữ ổn định. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa. Năm nay, lần đầu tiên Bộ thực hiện quy trình có kiểm soát bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về đề Ngữ văn bị chê 'cũ', giống đề thi thử tại địa phương - Ảnh 1
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT 2013 - Ảnh: VOV

Về phản ánh cho rằng cách ra đề Văn theo lối cũ, ít tính mở, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi Ngữ văn có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu cơ bản ngữ liệu sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao.

Với phần Đọc hiểu, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với phần Làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định. Đây cũng là lý do các đề thi có thể có sự trùng lặp. Tuy đề ra cùng 1 tác phẩm, nhưng điều quan trọng nhất là lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau.

Về việc đề thi có nội dung trùng lặp với các đề thi của địa phương trước đó, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung thêm nhiều công cụ để kiểm soát những nội dung trùng lặp đã công bố trên mạng xã hội, web... của các địa phương. Nhờ đó, năm nay đề thi chính thức của Bộ GD-ĐT hạn chế tối đa các nội dung, câu hỏi trùng lặp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về đề Ngữ văn bị chê 'cũ', giống đề thi thử tại địa phương - Ảnh 2
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi TP.HCM. Ảnh minh hoạ: Internet

Song hiệu quả của công cụ lọc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có dữ liệu đầu vào. Như trường hợp phần làm văn của đề tốt nghiệp THPT trùng với đề thi thử tại Nghệ An, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi thử này không có trên internet, do đó phần mềm chưa quét được. Hai đề này chỉ trùng lặp ngữ liệu, còn phần lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, toàn chương trình Ngữ văn lớp 12 có 15 tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy. Trong khi đó, mỗi năm, các tỉnh tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT từ 2 đến 3 lần. Do vậy sẽ khó tránh khỏi trùng ngữ liệu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về đề Ngữ văn bị chê 'cũ', giống đề thi thử tại địa phương - Ảnh 3
Đề thi lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Đối với trường hợp câu nghị luận xã hội gần giống với đề thi vào lớp 10 Hà Nội, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, kỳ thi vào lớp 10 diễn ra sau khi Hội đồng đề làm việc nên Hội đồng không có thông tin. Khi được biết, Hội đồng đã họp và thấy rằng đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi cũng khác nhau. 

Dẫn thông tin từ VTC News, trong quá trình ra đề thi năm nay, đơn vị luôn chú trọng đến công bằng cho thí sinh và đảm bảo tính phân hoá thông qua 4 cấp độ Thông hiểu - Nhận biệt - Vận dụng và Vận dụng cao. 

Sau khi kết thúc môn Văn thi tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên, chuyên gia đánh giá đề năm nay quá cũ, "nhàm chán trong cách ra đề và chọn ngữ liệu". Thậm chí nhiều người nói đề thi giống với hàng chục năm trước, vẫn là phân tích đoạn trích trong tác phẩm, vẫn là cảm nhận của tác giả, không có gì đột phá, bất ngờ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về đề Ngữ văn bị chê 'cũ', giống đề thi thử tại địa phương - Ảnh 4
Thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Văn, trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội - Ảnh: VnExpress

Việc thiếu đột phá, lối mòn trên được minh chứng qua nội dung đoạn ngữ liệu trong phần Làm văn đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD&ĐT Nghệ An gần giống với đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT. Đó là cùng trích từ truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân và nội dung câu hỏi có phần tương đồng nhau.

Bộ GD&ĐT khẳng định: 'Nghi vấn lộ đề Ngữ Văn không ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023'

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định thông tin trên không ảnh hưởng đến kỳ thi vì khả năng tương tác chỉ ở một thí sinh.

TIN MỚI NHẤT