Tín hiệu "kêu cứu" từ những đứa trẻ có ý định tự sát

Chăm sóc con 29/04/2022 17:53

Khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, chán sống... nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực khiến con rơi vào cảnh đau lòng.

Thực trạng đau lòng từ những đứa trẻ "không còn muốn sống"

Cuối tháng 3/2022, nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội. Ngày 31/3, một nữ sinh lớp 8 của trường THCS Đại Phúc, TP Bắc Ninh phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng cùng lá thư để lại.

Tiếp đó, ngày 1/4, một nam sinh (SN 2006) đang theo học lớp 10 tại một trường THPT chuyên ở Hà Nội đã nhảy từ ban công tầng 28 của một căn hộ trong khu chung cư tại Hà Đông xuống đất tự vẫn. Ngày 8/4, một nam sinh lớp 8 ở phường Thiện An (Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) để lại thư tuyệt mệnh rồi treo cổ tự vẫn.

Gần đây nhất, ngày 23/4 tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một nữ sinh 19 tuổi, rơi từ tầng 25 và nam sinh 13 tuổi rơi từ tầng 35 tử vong.

Liên tiếp những trường hợp học sinh tự tử thời gian qua đã dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với toàn xã hội về vấn nạn nhức nhối này. Đâu là nguyên nhân chính khiến trẻ phải tự kết liễu đời mình? Những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ có ý định tìm đến cái chết và làm cách nào để ngăn chặn là câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, tìm hiểu trong thời điểm hiện nay.

Tại Việt Nam, theo thống kê của các chuyên gia, tự sát là 1 trong 10 nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi. Trong đó, nhóm tuổi 15 - 19 tuổi ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tiền sử và toan tự sát cao hơn nhóm 20 - 24 tuổi.

Trong đó, trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở hầu hết mọi lứa tuổi. Căn bệnh này khiến người bệnh cảm thấy buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống.

Thông thường những biểu hiện của trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý bao gồm: giảm các mối quan hệ tương tác với bạn bè, gia đình; giảm tham gia các hoạt động xã hội; giảm sút học tập, không quan tâm đến vẻ ngoài, dễ cáu gắt, giận giữ…

Tín hiệu 'kêu cứu' từ những đứa trẻ có ý định tự sát - Ảnh 1
Tự sát là 1 trong 10 nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tín hiệu "kêu cứu" của con cái

Theo BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến - Phòng trẻ em và thanh thiếu niên - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, ý tưởng tự sát và toan tự sát gặp ở trẻ gái cao hơn trẻ trai, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi từ trẻ em sang giai đoạn trưởng thành được đánh dấu bằng mốc dậy thì.

"Cùng với đó là sự phát triển về tư duy, nhận thức, sự quan sát, sáng tạo, tự ý thức khẳng định bản thân, trưởng thành về nhân cách, đối mặt các yếu tố stress, học tập, tích lũy các phương thức đối phó stress nhiều nhất", Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến cho biết.

Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như sự giảm sút học hành, giảm quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội hoặc các hành vi mang tính chống đối: bỏ học, sử dụng chất kích thích…

Tuy nhiên, qua thực tế điều trị và tham vấn của mình, BSCKII. Hoàng Yến cho biết, một thực tế vô cùng quan ngại đó là khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, về chán sống thì nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực. Đây là tín hiệu kêu cứu mà các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm.

Khi một đứa trẻ đang vui vẻ, hoạt bát hoặc trầm tĩnh bỗng nhiên thay đổi ngược lại, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi ăn uống… là những dấu hiệu gợi ý mà bố mẹ cần quan tâm đến con hơn.

Đặc biệt, khi trẻ nói bóng gió về tự sát, hoặc nói cảm thấy mình không có giá trị, không có ý nghĩa với cuộc đời thì bố mẹ không nên gạt đi mà đó là những dấu hiệu khởi đầu của hành vi, ý định muốn tự sát ở trẻ. Do đó, phụ huynh nên giành nhiều thời gian để quan tâm chia sẻ cùng con cái như những người bạn của con mình.

"Khi trẻ bày tỏ cảm xúc đó là lúc con rất cần sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự lắng nghe. Các bậc cha mẹ, người thân khi bắt được tín hiệu này nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của mình", BSCKII. Hoàng Yến khuyến cáo.

Từ những phân tích trên, chuyên gia cho rằng trong mọi hoàn cảnh, công việc cha mẹ cần dành thời gian tâm sự, sẻ chia và chú ý đến những suy nghĩ, tâm lý của con để kịp thời hỗ trợ, tránh những sự việc đau lòng khiến bậc làm cha mẹ phải hối tiếc cả đời.

5 lý do vì sao cha mẹ không nên kiểm soát mọi việc con làm

Khi kiểm soát con cái quá mức, cha mẹ có thể vô tình làm tổn thương con thay vì giúp đỡ con. Dưới đây là những lý do vì sao bạn không nên kiểm soát mọi việc con làm.

TIN MỚI NHẤT