Những sai lầm cần tránh khi hạ sốt cho trẻ

Chăm sóc con 22/05/2018 07:01

Các chuyên gia y tế cho rằng, sốt không phải là một căn bệnh riêng biệt như nhiều người lầm tưởng. Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Nhưng việc cha mẹ hạ sốt sai cách, nhất là trường hợp sau khi trẻ tiêm chủng về dễ khiến trẻ gặp nạn.

Cạo gió, cho lươn bò trên cơ thể trẻ

ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, thực ra sốt không phải là một căn bệnh riêng biệt như nhiều người lầm tưởng. Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Có những nguyên nhân gây sốt do nhiễm khuẩn cũng có những nguyên nhân gây sốt rất đơn giản như trẻ bị ủ ấm quá mức, sau khi tiêm chủng hoặc do bị chấn thương, phỏng, mọc răng…

Nếu trẻ chỉ bị sốt đơn thuần (sốt không đi kèm các triệu chứng nhiễm khuẩn và chỉ đơn thuần là tăng thân nhiệt) thì có thể để tự nhiên, không can thiệp gì, cơ thể cũng sẽ trở về thân nhiệt bình thường sau một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, sốt cao có thể khiến trẻ khó chịu và xuất hiện triệu chứng đau đầu, tim đập nhanh, gia tăng sự mất nước, muối và các vitamin trong nước. Thậm chí nếu sốt trên 38,5 độ C, trẻ dưới 5 tuổi có thể bị co giật. Các triệu chứng đi kèm này thường khiến các bậc phụ huynh sốt ruột và muốn hạ sốt cho trẻ càng sớm càng tốt. Nhưng việc hạ sốt không đúng lại dễ gây hại cho trẻ.

Những sai lầm cần tránh khi hạ sốt cho trẻ - Ảnh 1

Cạo gió vốn là một biện pháp được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Trong Đông y, cạo gió cũng được xem là một thủ thuật chữa bệnh nhưng phải do bác sĩ trực tiếp làm với từng bệnh nhân nhất định. Cạo gió thường cạo các bộ phận chính trên cơ thể như hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng, dọc theo xương sống nửa thân trên, dọc cánh tay mặt theo mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay. Tuy nhiên, cạo gió chỉ có tác dụng trong trường hợp bị cảm lạnh, còn các trường hợp khác (ví dụ sốt do nguyên nhân nhiễm trùng) thì cạo gió gần như rất ít tác dụng. Đặc biệt với trẻ em, tuyệt đối không tiến hành cạo gió với trẻ em. Da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ xung huyết, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió.

Ngoài ra, việc các che mẹ truyền nhau cách để lươn bò lên lưng để hạ sốt càng không nên áp dụng bởi chưa có bằng chứng khoa học chứng minh được hiệu quả hạ sốt của biện pháp này. Trong đông y lươn là một vị thuốc nhưng phải với điều kiện được chế biến và nấu chín (hoặc hầm, hấp cách thủy) thì mới có tác dụng. Để lươn bò lên lưng trẻ (vốn rất nhạy cảm) có thể tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng cho trẻ.

Uống thuốc hạ sốt quá sớm

Đây là thói quen của nhiều người vì nghĩ khi vừa sốt cho uống thuốc hạ sốt sẽ cắt sốt ngay. Hoặc nhiều trường hợp khi cho trẻ đi tiêm chủng về lo con sốt liền cho uống thuốc để “phòng” trẻ sốt cao. Thực ra, không phải lúc nào sốt cũng là do trẻ bị nhiễm trùng và cần uống thuốc. Khi sốt nhẹ, 37,5 - 38 độ C, chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt cho trẻ. Trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5-38,5 độ chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn. Đặt nhiệt kế ở nách là chính xác nhất, không đo ở miệng, trán hay hậu môn, cũng không cộng trừ thêm 0,5 độ như ngày trước.

Lạm dụng thuốc đặt hậu môn

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, đối với trẻ nhỏ không muốn uống thuốc hạ sốt vì sợ đắng hoặc những bé sơ sinh dễ trớ khi dùng thuốc hạ sốt đường uống thì thuốc hạ sốt đặt hậu môn là giải pháp lý tưởng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc nhét hậu môn vì thuốc có thể gây tác dụng phụ. Tốt nhất là cha mẹ nên đo nhiệt độ chính xác rồi cho con uống thuốc với hàm lượng phù hợp, đủ liều lượng, trường hợp bất đắc dĩ mới phải đặt thuốc nhưng cũng không nên đặt nhiều.

Trước đây, một số quan niệm cho rằng, cách dùng viên đặt hạ sốt ở hậu môn sẽ qua gan ít hơn. Thực tế, viên đặt hậu môn vẫn thấm vào máu như đường uống nên có nghĩa vẫn qua gan. Cho nên, trẻ hay người lớn bị bệnh gan cũng không được dùng viên này bởi vẫn có thể gây ngộ độc.

Chườm đá lạnh

Các mẹ thường cho nước đá vào túi nilon hoặc bọc vải rồi chườm đặt vào hai bên người bé gần nách. Cách này chỉ giúp làm mát tại vị trí chườm nhưng lại dễ làm trẻ bị bỏng lạnh. Biện pháp này còn làm co mạch, khiến lỗ chân lông không “mở” để thân nhiệt thoát ra ngoài. Sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại, còn thực tế trẻ vẫn sốt cao.

Việc có suy nghĩ phải hạ sốt nhanh bằng mọi cách cũng cần phải cân nhắc. Khi thân nhiệt xuống quá nhanh, đột ngột dễ gây nguy hiểm cho trẻ do cơ địa trẻ không chịu được sự thay đổi quá nhanh. Việc giảm sốt cần làm từ từ. Thông thường thuốc hạ sốt hiện nay sau 30 phút uống bắt đầu có tác dụng, nhiệt độ giảm dần sau 1-2 giờ.

Trẻ sốt như thế nào cần đi khám?

ThS.BS Trần Thu Nguyệt cho biết, nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, nên hỏi bác sỹ hoặc đưa trẻ đi khám nếu nhiệt độ trực tràng của trẻ cao hơn 38 độ C. Vì trẻ ở độ tuổi này, bệnh có thể nặng lên rất nhanh, nên cần cho trẻ đi khám ngay cả khi nhìn trẻ trông có vẻ rất ổn. Nếu trẻ từ 3-6 tháng tuổi, hãy liên lạc với bác sĩ nếu thân nhiệt của trẻ từ 38,3 độ C trở lên.

Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi, hãy theo dõi trẻ chặt chẽ nếu thân nhiệt của trẻ nằm trong khoảng 38,5 đến 39,4 độ C. Gọi cho bác sĩ nếu ngưỡng nhiệt độ này kéo dài trên 2 ngày hoặc nhiệt độ của trẻ có xu hướng tăng cao hơn. Bất cứ khi nào trẻ sốt cao trên 39,5 độ, bạn nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức.

Dùng sắn dây hạ sốt cho trẻ có nguy hiểm?

Không ít các mẹ hiện nay thích chữa bệnh theo phương châm “thuận tự nhiên” đã chia sẻ những bài hạ sốt cho trẻ bằng dùng bột sắn dây thay cho thuốc hạ sốt. Chuyên gia y tế nói gì về điều này?