Hộ gia đình ở TP.HCM tá hỏa nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng, người dân Hà Nội cũng 'sốc ngất' vì tiền điện tăng 'phi mã'

Xã hội 04/03/2024 17:02

Những ngày qua, trên các mạng xã hội, nhiều người dân ở Hà Nội và TP.HCM phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện/ tiền nước của gia đình trong tháng 2 tăng đột biến so với bình thường.

Theo thông tin từ Dân Trí, ngày 4/3, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3) đang hoang mang khi gia đình nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 hơn 57 triệu đồng.

Ông Huy cho biết ngày 20/2, nhân viên Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định đến đo đồng hồ và cho biết khối lượng nước gia đình sử dụng tăng đột biến. Lúc này, chỉ có mẹ ông ở nhà, chưa rõ số tiền bao nhiêu.

Khoảng 2 ngày sau, nhân viên công ty đến nhà làm việc, ông mới tá hỏa khi biết hóa đơn tiền sử dụng nước tháng này của gia đình hơn 57 triệu đồng (tương đương hơn 3.000m3).

Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó để ra hóa đơn và tính toán lại sau.

Hộ gia đình ở TP.HCM tá hỏa nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng, người dân Hà Nội cũng 'sốc ngất' vì tiền điện tăng 'phi mã' - Ảnh 1
Hóa đơn báo tiền nước nhà ông Huy - Ảnh: Dân Trí

Tháng này, khi nhận mức phí sử dụng nước trên, ông quá bất ngờ. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20 khối nước với số tiền hơn 200.000 đồng. Ông nghi đồng hồ nước có vấn đề mới xảy ra chuyện như vậy.

"Nhận hóa đơn, tôi hết hồn luôn. Bồn nước của gia đình dung tích 1m3. Theo hóa đơn trên, gia đình phải sử dụng tới 3.000 bồn nước như vậy, trong khi nhà chỉ có 4 nhân khẩu", ông Huy nói.

Chủ gia đình tính toán, nếu 3.000m2 nước thất thoát trong 2 tháng, mỗi ngày gia đình ông phải dùng tầm 50m3, tức 2m3 nước/giờ.

Tuy nhiên, khi dùng thiết bị đo lượng nước từ đường ống qua máy bơm cung cấp cho gia đình, ông đo được áp suất nước tối đa chỉ 1,5m3/giờ. Như vậy, nguồn cấp nước đầu vào chỉ 1,5m3 nước/giờ, không thể nào gia đình ông làm thất thoát 2m3 nước/giờ.

Với việc sử dụng 2m3 nước/giờ, gia đình ông phải xài liên tục trong vòng 60 ngày mới đủ 3.000m3 nước.

"Có khoảng thời gian gần 10 ngày, tôi mở nước sử dụng nhưng chỉ thấy hơi phụt ra, một lúc sau mới có nước chảy. Tôi nghi ngờ luồng hơi này cũng đẩy kim máy bơm chạy. Gia đình tôi không phát hiện nước chảy tràn ra khỏi bồn chứa, thấm ở các vách tường. Gia đình tôi chưa đóng số tiền trên và chờ kết luận kiểm tra từ cơ quan cấp nước", ông Huy nói.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định cho biết, trước vụ hộ dân ở hẻm 490 Lê Văn Sỹ (quận 3) có phí sử dụng nước tăng bất thường, ban giám đốc đã phân công nhân viên kiểm tra, tiến hành các bước hỗ trợ khách hàng.

Phía công ty đang phối hợp chặt chẽ với khách hàng để tìm ra nguyên nhân, từ việc xác định sự cố kỹ thuật, rò rỉ nước trong nhà khách hàng…  làm thất thoát nước.

"Việc rò rỉ nước ở nhà khách hàng là chuyện hết sức bình thường, kể cả cơ quan Nhà nước cũng bị. Hiện chưa xác định được hóa đơn tiền nước tăng do vấn đề gì. Khi nào có kết luận kiểm tra chính thức, phía công ty sẽ thông tin đến báo đài", vị này nói.

Ngoài vấn đề tiền nước tăng cao, trong ngày 3/3 vừa qua, trên địa bàn TP.Hà Nội cũng xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến việc giá điện tháng 2 tăng đột biến. Cụ thể, dẫn từ báo Sài Gòn Giải Phóng, trên các mạng xã hội, nhiều người dân ở Hà Nội phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện của gia đình trong tháng 2 tăng đột biến so với bình thường (có nhiều trường hợp tăng gấp đôi).

Phản hồi về thông tin này, cùng ngày, ông Lê Ánh Dương, Phó Tổng Giám đốc Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, sở dĩ hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng cao vì gộp 2 kỳ gồm tháng 1 và 2. Lý do, từ tháng 2, EVNHANOI triển khai kế hoạch thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng thay vì đầu tháng như trước đây.

Hộ gia đình ở TP.HCM tá hỏa nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng, người dân Hà Nội cũng 'sốc ngất' vì tiền điện tăng 'phi mã' - Ảnh 2
Tại Hà Nội, nhiều gia đình phản ánh việc tiền điện tăng - Ảnh minh họa: VTV

Cụ thể, trước đây, lịch ghi chỉ số công tơ là mùng 3 hàng tháng, tức là nếu như trước đây sẽ chốt công tơ tháng 1 vào ngày 3-2, nhưng từ tháng 2 chuyển sang chốt công tơ vào ngày 29-2. Do đó, số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày (tháng 1) lên thành 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và 2). Đây là lý do hóa đơn tiền điện tăng gần gấp đôi so với trước.

Mặc dù hóa đơn tiền điện tăng nhưng thực tế quyền lợi của hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện ở Hà Nội vẫn được đảm bảo, cách tính từng bậc thang cũng được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số. Cụ thể là số điện để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 từ 50kWh (theo quy định) đã được giãn rộng lên 92kWh; tương tự bậc 3, bậc 4 cũng được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện được EVN triển khai và có lộ trình trong cả giai đoạn từ năm 2023 - 2025 để kỳ ghi chỉ số công tơ điện trùng khớp với lịch dương của mỗi tháng, giúp người dân và cơ quan quản lý dễ theo dõi hơn.

Đại diện EVN cũng cho biết, thời điểm chuyển đổi lịch ghi chỉ số công tơ điện tùy mỗi địa phương lựa chọn. Đến nay, các tỉnh, thành phố ở phía Nam và miền Trung đã hoàn thành, còn lại một số tỉnh, thành phố ở phía Bắc đang triển khai.

Nữ công nhân tử vong dưới bánh xe oan nghiệt của gã trai chưa có bằng lái: Đứa con nhỏ khát sữa đòi mẹ thâu đêm

Mặc dù chưa có giấy phép lái xe, nhưng Võ Minh Chiến, trú tại Hà Tĩnh vẫn mượn xe ô tô của người quen để di chuyển. Quá trình lưu thông trên đường, Chiến đã điều khiển xe ô tô gây tai nạn chết người vào đêm 28 Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

TIN MỚI NHẤT