Có con với chính cậu chủ nhà mình làm giúp việc, H. bị đuổi ra khỏi nhà và sống những năm tháng tuổi trẻ đầy cay đắng tủi nhục. Thế nhưng trời không phụ lòng người, cuối cùng hạnh phúc đã nở muộn cho người phụ nữ khốn khổ ấy.
Phận đời cay đắng
Đào Thị H. (29 tuổi, ngụ tại xã Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An) là con cả trong một gia đình nghèo khó vùng ven biển. Mẹ đột ngột phát bệnh tâm thần khi sinh em thứ ba, cha H. vì chán cảnh nghèo đói, vợ bệnh tật, con cái nheo nhóc, không có kế sinh nhai nên đâm ra chán nản, nát rượu.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chuyện học hành với H. và các em là chuyện viển vông. Vừa tròn 9 tuổi H. phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có làng bên để phụ giúp gia đình. Với số tiền công chưa đến 1 triệu đồng/tháng, H. phải tích góp chi phí thuốc thang cho mẹ và phụ nuôi các em.
Biến cố cuộc đời xảy ra cách đây đã 7 năm những mỗi lần nhắc lại H. vẫn thấy lòng mình đau nhói. Chia sẻ với chúng tôi, H. cho biết cô đã sống trong căn nhà ấy hơn chục năm trời, gắn bó suốt thời thơ ấu đến những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của đời người. H. coi đó là ngôi nhà thứ hai, nơi cưu mang gia đình mình lúc khốn khó.
Suốt ngày quanh quẩn trong nhà với công việc nội trợ, H. không có điều kiện học hành, tiếp xúc với bạn bè, cũng chưa một lần biết yêu đương. Vậy mà đùng một cái, tin H. mang thai làm chấn động cả một vùng quê nghèo.
Theo lời H. tác giả cái thai trong bụng chính là “món quà” của cậu ấm chủ nhà. Cậu ta trạc tuổi H., nhiều lần H. bị cậu chủ dụ dỗ, ép buộc làm chuyện người lớn nhưng không dám mách với ai. Đến lúc bụng lù lù và cơ thể có nhiều biểu hiện bất thường H. mới biết mình đã mang thai.
Mặc dù H. khẳng định đứa bé là con của cậu chủ nhưng gia đình họ không tin. H. bị chủ nhà buộc tội vu khống và cho rằng đứa bé trong bụng không phải do con họ gây ra. Gia đình đó đuổi H. ra khỏi nhà khi cái thai đã to tướng.
H. trở về nhà cha mẹ ruột trong cay đắng, tủi nhục. Tháng 6 năm 2011, H. hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh trong niềm đau tột cùng. Suốt 6 năm trời, H. bị người đời xì xào chỉ trỏ gán cho từ “gái chửa hoang”, “đồ hư hỏng”.
H. bùi ngùi chia sẻ: “Tôi làm mẹ khi chưa tròn 23 tuổi, chẳng có kinh nghiệm gì, cũng may thằng bé sinh ra khỏe mạnh và rất ngoan”. Nuốt nước mắt vào trong, H. lầm lũi sống, làm việc để nuôi con và chăm sóc cha mẹ. Hiện con trai H. đã tròn 6 tuổi và đang là học sinh lớp 1. Cậu bé chưa một lần biết mặt bố, cậu mang họ mẹ, trông rất lém lĩnh.
Hạnh phúc muộn
Ngoài nỗi cơ cực của người mẹ đơn thân mang tiếng chửa hoang, từ ngày có con, H phải làm lụng đủ thứ nghề để nuôi con và phụ giúp cha mẹ. Từ buôn cá, buôn rau đến phụ hồ, miễn là kiếm được cái ăn qua ngày cho gia đình.
Các em của H. nay cũng đã lớn, đi làm công ty ở ngoài Bắc nên đỡ đần gia đình được phần nào. Cha H. từ ngày con gái gặp chuyện bất hạnh cũng thay đổi tâm tính, chăm lo cho gia đình nhiều hơn. Nhờ số tiền nhỏ ông tích góp và vay thêm ngân hàng nên gia đình đã sửa lại căn nhà cũ nát.
Đếm những đồng tiền công phụ hồ chuẩn bị mua sách vở và đồ dùng học tập cho con, H. ôm con nhỏ vào lòng tâm sự: “Đời tôi đã cực khổ vì không được học hành nên bị người đời ức hiếp. Tôi chỉ mong có sức khỏe để làm việc nuôi con trai ăn học thành người”.
Nhìn sang người đàn ông bên cạnh mình, H. khoe vào cuối năm nay cô sẽ được làm cô dâu. Chú rể tên T. là người đàn ông cùng làng, ít hơn cô 7 tuổi. Anh T. dù ít tuổi hơn nhưng trông rất chững chạc và mưu sinh bằng nghề đi biển.
“Hoàn cảnh mẹ con tôi như vậy anh ấy không chê mà còn chăm sóc tận tình. Lúc đầu tôi cũng đắn đo nhiều lắm nhưng thấy anh ấy chân tình, lại thương yêu thằng bé nên tôi rất cảm kích. Gia đình anh T. biết chuyện chúng tôi yêu nhau không ngăn cấm mà còn ủng hộ nên tôi cảm thấy cuộc đời mình thật may mắn và hạnh phúc. Trải qua bao nhiêu sóng gió, giờ đây tôi chỉ mong cho một gia đình yên ấm, giản dị”, H. chia sẻ trước lúc chia tay chúng tôi.