Ai phải chuyển trường?

Xã hội 09/04/2018 11:55

Nhìn khuôn mặt trong sáng đẫm nước mắt của nữ sinh Phạm Song Toàn khi kể về cô giáo dạy Toán Trần Thị Minh Châu suốt 3 tháng không nói trên lớp, tôi hiểu các em đã bị tổn thương, đã chịu áp lực ghê gớm tới mức nào.

Ai phải chuyển trường? - Ảnh 1
Nữ sinh Phạm Song Toàn

 Cuối cùng, một điều bất thường và hết sức phi lí  đã được một học sinh dũng cảm nói ra. Hãy tưởng tượng, mỗi tuần 5-6 tiết toán, cả trăm tiết học câm lặng và căng thẳng như vậy đã diễn ra suốt 3 tháng trời, chỉ có tiếng sột soạt của phấn viết bảng và những con số vô hồn trên bục giảng…, không hề có tiếng giảng bài của giáo viên. Đó đích thực là một hình thức của bạo lực học đường – bạo lực tinh thần !

Em Toàn dũng cảm ở chỗ, trong bối cảnh của giáo dục Việt Nam hiện nay, em là học sinh duy nhất trong cả tập thể lớp dám công khai đứng lên trước đám đông nói lên chính kiến của mình về hành động sai trái của cô giáo.

Những học sinh cuối cấp của Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM), năm nay đã 18 tuổi, cam chịu suốt 3 tháng trời trước quyền được nghe giảng của mình bị tước đoạt. Một học sinh 10 tuổi học lớp 3 của Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng), không biết phản ứng để tự bảo vệ mình, ngoan ngoãn chấp hành hình phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng của cô giáo đứng lớp mất nhân tính.

Hàng loạt câu hỏi phải đặt ra. Vì sao có những điều bất công, sai trái diễn ra ngay trên bục giảng mà học sinh, lại không dám nói ra, không dám phản kháng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình ? Đáng buồn hơn, vì sao nữ sinh Phạm Song Toàn lại phải chuyển trường mà người chuyển trường không phải là cô giáo dạy Toán Trần Thị Minh Châu?

Đáng buồn, cả hai lý do mà vị Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đưa ra đều đến từ những “người trong cuộc”. Thứ nhất, lo ngại Toàn sẽ bị kì thị, cô lập sau khi nhiều học sinh đả kích em trên mạng những ngày qua. Thứ hai, vì sự kiện này rất có thể nhà trường sẽ bị hạ bậc thi đua cuối năm, và em sẽ bị coi là kẻ  “tội đồ”.

Nên nhớ, một trong những mục tiêu cơ bản nhất của giáo dục phổ thông ở bất kỳ nền giáo dục đúng đắn nào trên thế giới đều là dạy LÀM NGƯỜI. Tại Singapore, Bộ Giáo dục nước này đưa ra mục tiêu của giáo dục (Desired Outcomes of Education – DOE) với đạo đức một con người như sau : Hết bậc tiểu học phải có khả năng phân biệt được đúng – sai, hết bậc trung học phải có đạo đức liêm chính, hết bậc sau trung học (tương đương THPT ở ta) cần phải có lòng dũng cảm để đứng vững trước những gì mình cho là đúng. Với Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng vừa đưa ra mục tiêu 5 phẩm chất, 10 năng lực của học sinh. Theo đó, chương trình GDPT sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.

Trong trường hợp này nữ sinh cuối cấp Phạm Song Toàn đã đạt được hai phẩm chất là “trung thực” và “trách nhiệm” theo chuẩn giáo dục của Việt Nam. Còn theo chuẩn của Singapore, hành động của Toàn rõ ràng đã đạt tiêu chí “có lòng dũng cảm để đứng vững trước những gì mình cho là đúng”.

Lẽ nào, một hành động đạt chuẩn, đáng để các học sinh khác noi theo, lại là điều buộc em phải chuyển trường sao ? Nếu điều đó xảy ra, nghiễm nhiên chúng ta đã thừa nhận sự thất bại của các mục tiêu giáo dục? Không ! Những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục hãy làm mọi cách để em Toàn không phải chuyển trường. Người đáng phải ra khỏi ngôi trường đó phải là cô giáo không giảng bài trên bục giảng, chứ không phải những “nạn nhân” của cô – học sinh.

 

Học sinh bị cô giáo bắt súc miệng bằng nước lau bảng: Kém ăn, người gầy rộc

Theo gia đình cháu Ph.A (học sinh lớp 3A5, trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng, người bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng), những ngày qua, cháu không ăn uống được nhiều, người gầy rộc đi, luôn trong trạng thái căng thẳng vì bị bạn bè trêu trọc.

TIN MỚI NHẤT