Vì sao không xông hơi, bôi dầu cao cho người mắc COVID-19?

Tin y tế 04/10/2021 14:16

Nhiều người cho rằng việc xông hơi, bôi dầu cao xoa cho người mắc COVID-19 giúp nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia đã có những khuyến cáo bất ngờ.

Các group giúp nhau mùa dịch, các trang Facebook cá nhân thời gian qua đã chia sẻ rất nhiều phương pháp chữa trị COVID-19 được nhiều người tin tưởng làm theo như xông hơi, bôi dầu cao xoa cho người nhiễm bệnh hay uống nước sả,...

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Quang - Nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền Quân đội đã có những giải đáp cụ thể.

Xông hơi khi nào?

TS. Nguyễn Đức Quang cho biết, trong y học cổ truyền có liệu pháp hãn (cho ra mồ hôi) để chữa bệnh. Mục đích của liệu pháp này là đuổi tà khí ra ngoài bằng cách làm ra mồ hôi khi tà khí còn ở biểu (bì phu tấu lý).

- Bệnh do phong hàn: Sốt có gai rét thì dùng thuốc cay ấm (tân ôn) như ma hoàng, hạnh nhân, quế chi, cam thảo để trị hàn là chính. Dùng quế chi, thược dược, sinh khương, cam thảo, đại táo trị phong là chính.

- Bệnh do phong nhiệt: Sốt nóng thì dùng thuốc cay mát (tân lương) như ngân hoa, liên kiều, cát cánh, bạc hà, kinh giới, cam thảo. Nếu kèm theo âm hư thêm thiên hoa phấn, huyền sâm.

- Bị cảm mà dương hư thì dùng thuốc trợ dương: Giúp ra mồ hôi. Các thuốc như: Đảng sâm, tía tô, cát căn, tiền hồ, bán hạ, phục linh, trần bì, cam thảo, cát cánh, chỉ thực, sinh khương.

Xông hơi là liệu pháp dùng nhiệt kết hợp tinh chất dược liệu thúc đẩy tiết mồ hôi qua các lỗ chân lông, có tác dụng đẩy các nguyên nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Làm hạ thân nhiệt, hạ sốt, giảm đau... Đây là liệu pháp mạnh trong phương pháp hãn (bát pháp - 8 cách chữa bệnh), thường dùng khi bị cảm lạnh (thương hàn).

Vì sao không xông hơi, bôi dầu cao cho người mắc COVID-19? - Ảnh 1

Người mắc COVID-19 không nên dùng phương pháp xông hơi (Ảnh minh họa)

Vì sao không dùng xông hơi, bôi dầu cao xoa khi mắc COVID-19?

Theo TS. Nguyễn Đức Quang, bản chất của bệnh thương hàn (cảm lạnh) và ôn dịch hoàn toàn trái ngược nhau: 

- Bệnh thương hàn cảm vào thời phát ngay, bệnh ôn dịch (thời dịch) cảm rồi sau mới phát. Bệnh thương hàn không phát ban, bệnh thời dịch thường phát ban. Bệnh thương hàn, tà nhập vào kinh, rồi từ kinh này truyền kinh khác; bệnh thời dịch tà cảm vào trong, truyền sang kinh, đến kinh thời không tự truyền nữa.

- Bệnh thái dương thương hàn do hàn tà xâm nhập vào cơ thể qua bì phu tấu lý, ngăn cách giao lưu cơ thể con người với môi trường xung quanh, phương pháp hãn là đẩy hàn tà ra khỏi cơ thể, xóa ngăn cách giao lưu là khỏi bệnh.

- Ôn dịch (hay thời dịch) do tác nhân gây viêm nhiễm (ôn bệnh) tác động vào cơ thể qua mũi và miệng, có tính chất lây lan trong cộng đồng (yếu tố dịch tễ). Nên khi mắc bệnh, tác nhân gây bệnh đã vào trong cơ thể, không có ở bì phu tấu lý nên xông hơi hay xoa dầu cao xoa đều không có tác dụng tốt khi mắc bệnh ôn dịch.

Vì sao không xông hơi, bôi dầu cao cho người mắc COVID-19? - Ảnh 2

Không bôi dầu cao xoa cho người mắc COVID-19 (Ảnh minh họa)

Để lý giải rõ về những vấn đề trên, TS. Nguyễn Đức Quang đã trích đoạn y văn trong y học cổ truyền khi bàn về dùng "Ngân kiều tán" trị ôn dịch: "… Về ôn bệnh kỵ phát hãn, vì phát hãn không những không khỏi, mà lại gây nên chứng bệnh khác. Bởi bệnh đó phát sinh ra chỉ ở kinh, nếu lại làm xâm phạm tới thái dương thời thật vô ích. 

Bệnh từ miệng, mũi vào mà sinh ra, nếu lại chuyển về phát biểu, thời lại càng vô ích nữa. 

Vả lại mồ hôi là một chất nước màu của tâm; Tâm dương bị thương thời tất sinh ra các chứng thần minh loạn ở bên trong, nói mê, rồ dại và nội bế, ngoại thoát....

Vả lại, nếu nhầm phát hãn, dù nói rằng hại đến dương, nhưng mồ hôi là một thứ nước trong ngũ dịch, giờ phát bỏ nó ra thời tất cũng lại thương đến cả âm. Thương hàn luận nói "xích mạch vi là lý hư, cấm phát hãn".

Xem đó đủ hiểu, tầm quan trọng của pháp trị. Ôn bệnh rất dễ thương âm, nếu dụng dược làm thương đến âm, thời có khác gì mở cửa thêm cho giặc vào, đó là một sự nhầm rất lớn của các y gia từ xưa đến nay, dùng phương pháp chữa thương hàn bệnh để trị ôn bệnh vậy…".

“Đại dịch COVID-19 cũng là ôn dịch nên không được dùng phương pháp xông hơi và bôi dầu cao xoa cho người mắc bệnh”, TS. Nguyễn Đức Quang nhấn mạnh.

Nghiên cứu mới: Kháng thể ở nhiều người biến mất sau 6 tháng tiêm vaccine Pfizer

Một nghiên cứu mới vừa phát hiện ở nhiều người, lượng kháng thể do vaccine Pfizer tạo ra đã biến mất sau 6 tháng tiêm liều thứ hai.

TIN MỚI NHẤT