Từ vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng: Sang chấn tâm lý nặng nề, có thể tái phát nhiều lần, cẩn trọng khi cho trẻ quay lại trường

Tin y tế 29/11/2023 16:42

Vụ việc nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạn đánh hội đồng đến rối loạn tâm thần xảy ra mới đây khiến dư luận phẫn nộ.

Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, ông Đỗ Công Dực, hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cho biết em V.V.T.K. - nam sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng dẫn đến rối loạn tâm thần - đã đi học trở lại từ ngày 24/11. Đến ngày 28/11, K. đã đi học được 3 buổi.

"Tâm lý của em K. còn hơi yếu, khá nhạy cảm. Việc K. đi học trở lại là nguyện vọng của bản thân em. Ngoài ra, gia đình của em K. thấy con đã có thể tái hòa nhập", ông Dực nói.

Ông Dực cho biết mục tiêu số 1 khi K. trở lại trường học là để chữa bệnh tâm lý nên sẽ không đặt nặng việc học trong thời gian đầu. Để việc tới trường của em K. thuận lợi, nhà trường cũng đề nghị phụ huynh lên lớp cùng em K. trong những tuần đầu để tiện theo dõi sức khỏe.

"Mỗi ngày em K. chỉ học khoảng 2-3 tiết để không tạo áp lực cho em. K. cũng đã tham gia chơi thể thao với các bạn, tinh thần khác trước rất nhiều.

Thời gian qua không có một bác sĩ nào kết luận xác định K. bị tâm thần vĩnh viễn như thông tin trên mạng. Việc gắn mác tâm thần vĩnh viễn cho đứa trẻ mới hơn 10 tuổi là rất khủng khiếp.

Các học sinh đánh hội đồng em K. cũng đã rất hoảng sợ sau hàng loạt những buổi làm việc với nhà trường và cơ quan điều tra. Trên thực tế các em cũng đã trải qua nhiều khổ ải về tâm lý. Đây là sự việc đáng tiếc và không ai mong muốn", ông Dực bày tỏ.

Từ vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng: Sang chấn tâm lý nặng nề, có thể tái phát nhiều lần, cẩn trọng khi cho trẻ quay lại trường - Ảnh 1
Nam sinh K bị bạo lực học đường khiến tâm lý bất ổn - Ảnh: Tuổi Trẻ

Về trường hợp của nam sinh này, dẫn tin từ Dân Trí, một bác sĩ chuyên ngành tâm lý nhận định, các triệu chứng xuất phát từ sang chấn do bạo lực học đường có thể tái phát nhiều lần. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần đặc biệt chú ý trong giai đoạn trẻ đi học trở lại.

Từ thực tế đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp học sinh bị bạo lực học đường, bác sĩ này nhận định bạo lực học đường là một sang chấn nặng nề về tâm lý. Sang chấn này đóng vai trò như "ngòi nổi" có thể kích hoạt hàng loạt vấn đề liên quan tâm thần kinh ở trẻ.

"Bạo lực học đường gần như không bao giờ chỉ xảy ra một lần. Ngoài vụ việc được phát hiện thường đã có nhiều vụ việc khác âm thầm diễn ra. Các sang chấn liên tiếp này sẽ gây tổn thương nặng nề cho đứa trẻ, dẫn đến các vấn đề như trầm cảm, mất ngủ, sợ đi học…", vị bác sĩ phân tích.

Đáng chú ý, các triệu chứng do sang chấn của bạo lực học đường thường có xu hướng lặp lại nhiều lần. Nạn nhân của bạo lực học đường có thể phải vào viện nhiều lần vì xuất hiện các triệu chứng như lên cơn khó thở, đau ngực, hoảng loạng...

"Đặc biệt với một đứa trẻ có yếu tố nhân cách yếu lại càng dễ bị tổn thương do các sang chấn của bạo lực học đường", bác sĩ này nhấn mạnh.

Với trẻ bị bạo lực học đường, bên cạnh công tác điều trị của bác sĩ, vai trò của phụ huynh và nhà trường là đặc biệt quan trọng, để chữa lành các tổn thương cũng như giúp trẻ sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường.

"Nguyên tắc là phải giúp trẻ không còn lo lắng sợ hãi khi đến trường và cảm thấy các mối quan hệ thân thiện, cảm giác được che chở yêu thương ở trường học", bác sĩ phân tích.

Đặc biệt, theo chuyên gia này, để trẻ có thể đi học trở lại sau khi bị bạo lực học đường, gia đình và nhà trường cần phải tạo ra được một môi trường an toàn cho trẻ.

Phía nhà trường cần phải có biện pháp xử lý gốc rễ vấn đề, tìm hiểu các mối quan hệ của học sinh, ngăn chặn bạo lực học đường tái diễn, giúp trẻ yên tâm đi học trở lại.

"Nếu vấn đề ở trường lớp không được giải quyết, trẻ có thể tiếp tục bị tổn thương, bị bạo lực học đường trở lại", bác sĩ nhấn mạnh.

Sau khi tạo được môi trường an toàn, nhà trường cũng cần có biện pháp động viên tâm lý và hỗ trợ lại việc học vì trẻ phải nghỉ học lâu, cũng như hỗ trợ tạo mối quan hệ trở lại với bạn bè cho trẻ.

Từ vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng: Sang chấn tâm lý nặng nề, có thể tái phát nhiều lần, cẩn trọng khi cho trẻ quay lại trường - Ảnh 2
Không chỉ sức khỏe thể chất mà tâm lý của nam sinh K cũng bị ảnh hưởng lớn - Ảnh: Dân Việt 

Về phía gia đình, cần tạo môi trường thoải mái ở nhà cho trẻ, thường xuyên quan tâm, trò chuyện, động viên, tạo môi trường để trẻ thoải mái tâm sự.

Chuyên gia nhấn mạnh, khi quay trở lại trường học, cả nhà trường và gia đình cần theo dõi sát biểu hiện, tâm trạng của trẻ. Nếu trẻ vẫn có tình trạng sợ sệt, buồn chán, mất ngủ… rất có thể trẻ đang bị bạo hành trở lại.

"Khác với bệnh thực thể có thể nói ổn, sức khỏe tốt, những bệnh nhân bạo lực học đường khi ra viện chỉ có thể đánh giá các triệu chứng có thuyên giảm, trẻ hợp tác hơn, triệu chứng đau đầu cải thiện, đỡ lo lắng, đã bộc lộ chia sẻ, có thể hòa nhập trở lại… Tuy nhiên, các triệu chứng này hoàn toàn có thể tái phát, sáng ra viện, chiều lại nhập lại nếu có những yếu tố kích thích đến trẻ", bác sĩ này thông tin.

Vì thế, chuyên gia này nhấn mạnh hiệu quả điều trị tốt các sang chấn liên quan bạo lực học đường, cần sự chung tay của gia đình và nhà trường. Bạo lực học đường có thể để lại những hậu quả đặc biệt nặng nề về tâm lý và tương lai đứa trẻ, khó có thể đánh giá hết được các tổn thương lâu dài.

Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: 'Kẻ giết người thầm lặng' lúc giao mùa

Các bệnh lý về hô hấp tuyệt đối không thể chủ quan vì dễ biến chứng sang suy hô hấp. Nhất là các bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính được Tổ chức Y tế thế giới xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu.

TIN MỚI NHẤT