Qua lời Phật dạy về công ơn phụ nữ mang thai ta càng thấu cảm hơn những nỗi đau, vất vả, khó nhọc mà người phụ nữ phải trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau và cả những hậu quả về sau từ những tổn thương ấy.
- Có nên quay lại với người yêu cũ, mối quan hệ rối rắm khiến tôi trăn trở mãi không dứt
- Được ngày nghỉ dẫn mẹ đi siêu thị, tôi cay khóe mắt khi thấy mẹ thậm thụt đến quầy hàng giảm giá!
Lời phật dạy về công ơn phụ nữ mang thai
Trong kinh, Đức Phật từng khiến chúng ta bàng hoàng vì sao Người có thể hiểu về nỗi khổ của phụ nữ khi mang thai 9 tháng 10 ngày như thế. Thậm chí Ngài còn giải thích cho A Nan hiểu rằng lúc qua đời, xương của đàn ông nặng và trắng hơn, còn xương phụ nữ thường đen và nhẹ hơn vì họ đã trải qua nhiều lần sinh nở, thức đêm, thức hôm chăm bẵm con cái, tổn hao khí huyết.
Đó là chưa kể khi con trưởng thành, người phụ nữ cũng chưa bao giờ hết nỗi lo: lo chuyện học hành, cơm nước cho con, con lớn lo gả vợ/chồng, sau đó lại là chăm sóc cháu,... quá trình ấy dường như diễn ra suốt cuộc đời của người phụ nữ vậy.

Không những thế, Đức Thế Tôn còn chỉ ra quá trình phát triển từng giai đoạn của thai nhi một cách rõ ràng, tháng đầu em bé chưa thành hình người, sinh mệnh vẫn còn mong manh, không phải bà mẹ nào cũng có thể giữ được con trang giai đoạn này. Nhưng nếu trải qua được rồi, cứ thế cơ thể em bé hoàn thiện dần từ chân tay, mắt mũi cho tới nội tạng, đến khi chào đời thì bé đã đầy đủ mọi giác quan cần thiết.
Đó quả là một quá trình kỳ diệu để tạo nên một thai nhi trong bụng mẹ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, cho đến nay khoa học phát triển, chúng ta nhờ có sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại mới có thể quan sát quá trình này một cách cụ thể hơn.

Thế mới thấy, những gì Đức Phật giáo huấn cách đây hơn 2.500 năm về quá trình mang thai và sinh nở của người phụ nữ có rất nhiều nét tương đồng với khoa học hiện nay. Theo những gì Ngài nói, trong 9 tháng mang thai của người phụ nữ được chia làm 3 giai đoạn với những lưu ý khác nhau vì mỗi giai đoạn, đứa trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau về hình dáng, nhận thức.
Từ lúc một tháng tuổi, thai nhi như "hạt sương dính trên ngọn cỏ" cho đến khi đủ 9 tháng thì "mới đủ hình người". Quá trình ấy người phụ nữ đi lại nặng nề và không ngừng dưỡng thai để em bé chào đời khỏe mạnh.
Thời Đức Phật còn tại thế Ngài không cần máy siêu âm như chúng ta bây giờ nhưng lại biết rõ hết quá trình phát triển thai nhi như một bác sĩ đang đọc hình ảnh siêu âm của em bé trong từng tháng một. Vì thấu hiểu, Ngài càng thương cảm cho những nỗi đau đớn, vất vả của người phụ nữ khi mang thai.
Chúng ta với phận làm con, cũng cần thấu hiểu rằng để cho ta hình hài như ngày hôm nay cha mẹ đã chịu biết bao khổ nhọc. Ngay từ những ngày ta còn trong bụng mẹ, mẹ đã phải chịu biết bao khó khăn, mệt mỏi.
Các bà mẹ không chỉ lo cho sức khỏe của mình mà còn phải lo cho sự phát triển của con xem con có tăng cân hay không, có bị dị tật gì hay không, không được buồn vì ảnh hưởng đến con,... Và đặc biệt lúc sinh nở được xem là nguy hiểm và đau đớn nhất, gây ra nhiều tổn thương cho cơ thể của bà mẹ từ nay về sau.
Nhiều áp lực đè nặng nên không ít người còn bị trầm cảm sau sinh nhưng không phải ai cũng tin vào điều này, còn cho rằng các bà mẹ làm quá lên. Thực ra, việc quá nhiều tâm lý đè nặng mà không thể tìm cách giải tỏa thì bệnh nào cũng có thể phát sinh từ đây mà ra cũng là điều dễ hiểu.
Thông qua lời Phật dạy về công ơn phụ nữ mang thai chúng ta càng trân trọng và cảm thông hơn cho những gì mà các bà mẹ đang và đã trải qua trong suốt thời kỳ sinh nở cho tới những năm tháng sau đó.