Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh dịp lễ: Chuyên gia hướng dẫn cách phòng ngừa

Sức khỏe 15/04/2023 05:09

Dịch COVID-19 có thể tăng cao hơn vào dịp nghỉ lễ, do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu thông tin trên Báo Đầu Tư cho rằng khi nhu cầu giao lưu lớn thì nguy cơ dịch lây lan nhanh đồng nghĩa với việc tăng ca nhiễm.

Theo chuyên gia, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch covid-19 sẽ tăng cao thời gian tới.

Mục tiêu hiện nay mà ngành Y tế cần khẩn trương là kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.

Dịp 30/4-1/5 đi lại nhiều, nguy cơ bùng phát dịch lớn, vậy nên theo ông Phu, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao.

“Nới lỏng nhưng không thả lỏng, nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vắc-xin covid-19”, ông Phu chia sẻ.

Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh dịp lễ: Chuyên gia hướng dẫn cách phòng ngừa - Ảnh 1
Phòng dịch COVID-19. Ảnh: Tuổi Trẻ

Dịch có nguy cơ nhưng theo ông Phu chúng ta cũng không nên cực đoan. Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá lại cấm đoán, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống.

Để chống dịch hiệu quả theo ông Phu, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của covid-19 để có đủ điều kiện cũng như là đủ năng lực để ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như là chủng virus.

Dựa trên nguyên tắc nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, đặc biệt việc đánh giá nguy cơ phải đúng rồi mới đưa ra đáp ứng phù hợp không ảnh hưởng kinh tế.

Chúng ta đang duy trì cuộc sống bình thường trong tình hình mới, chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro. Chúng ta cần thực hiện nới lỏng chứ không buông trôi thả lỏng.

Thời điểm này, các khuyến cáo để người dân dự phòng cá nhân cũng cần được thực hiện tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ, rửa tay khử khuẩn…

Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh dịp lễ: Chuyên gia hướng dẫn cách phòng ngừa - Ảnh 2
Chủ động phòng ngừa COVID-19. Ảnh: Internet

Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang.

Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người giá, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…). Ai có triệu chứng thì phải xét nghiệm có phải Covid-19 hay không để thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị.

Cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vắc-xin của Bộ Y tế. Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý chúng ta cần thực hiện phòng bệnh tốt khi đi lại trong những ngày nghỉ 30/4 và 1/5 tới đây.

Cũng theo Tuổi Trẻ, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai.

Bộ Y tế cho biết thêm trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây.

Tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.

Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc, dẫn đến gây nguy cơ dịch chồng dịch.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Bên cạnh đó, các tỉnh thành thúc đẩy tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra, rà soát vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nhất là nhóm nguy cơ cao.

Chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Tổ chức đánh giá cấp độ dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao.

Các địa phương phải truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.

 

Nguy kịch do ngộ độc thuốc điều trị tiểu đường

Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tức ngực và khó thở, thở nhanh sâu, có tiền sử tiểu đường.

TIN MỚI NHẤT