Sợ nhồi máu cơ tim do trời nóng: sơ cứu cách nào?

Sống khỏe 07/05/2019 05:50

Tôi có bệnh mạch vành, dạo này hay bị mệt, đánh trống ngực, có lẽ do trời nóng và tôi cũng bận rộn. Tôi nghe nói bệnh tôi dễ bị nhồi máu cơ tim...

Phạm Thụy Hoài An, nữ, 55 tuổi, quận 4, TP HCM, hỏi: Dạo này trời nóng, tôi hay có cảm giác dễ bị mệt, đánh trống ngực, nhất là khi làm việc gắng sức. Tôi từng được chẩn đoán bệnh động mạch vành, khá lo không biết trời nóng có làm tim tôi "quá tải" hay không, vì tôi nghe bệnh tôi có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim? Xin bác sĩ tư vấn cho tôi cách nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và cách sơ cứu?

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:

Đúng là bệnh động mạch vành mà chị mắc phải làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, nhất là khi bệnh không được kiểm soát tốt và khi rơi vào tình huống bất lợi. Ở người bệnh, khi gắng sức hay xúc động đã có thể xuất hiện các vấn đề ở mức độ nhẹ như cơn đau thắt ngực trái thoáng qua. Nặng hơn, khi nhánh động mạch vành bị thuyên tắc, vùng cơ tim bị hoại tử lan rộng, bệnh nhân có thể rơi vào choáng tim, suy hô hấp tuần hoàn. Các biểu hiện kèm theo là khó thở, ngất...

Sợ nhồi máu cơ tim do trời nóng: sơ cứu cách nào? - Ảnh 1

Khi có biểu hiện nhồi máu cơ tim, người thân cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đi cấp cứu nếu còn tỉnh. Nếu bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở, cần lập tức sơ cứu bằng CPR (cardiopulmonary resuscitation )tại chỗ trong khi chờ xe cấp cứu.

Theo hướng dẫn của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), cấp cứu hô hấp tuần hoàn (hồi sinh tim phổi cho người ) gồm 2 thao tác ép tim - thổi ngạt, thực hiện như sau:

- Ép tim: đặt gót một bàn tay vào giữa ngực, đặt tay kia đè lên bàn tay đã đặt, dùng sức thân người ấn sâu 5-6 cm, tốc độ 100-120 lần/phút.

- Thổi ngạt: đỡ cho cằm nạn nhân nhô cao lên, bịt mũi, áp miệng vào, thổi đều và đủ mạnh vào miệng họ trong khoảng 1 giây, nhớ chú ý quan sát, bảo đảm ngực nạn nhân phồng lên mỗi lần được thổi.

- Lặp lại chu kỳ ép tim 30 cái, thổi ngạt 2 cái cho đến khi hô hấp – tuần hoàn phục hồi hoặc đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.

Để bệnh đừng diễn tiến đến tình huống nặng nêu trên, chị cần thường xuyên đến bác sĩ thăm khám, tái khám theo lịch hẹn, dùng các thuốc được kê toa, học cách kềm chế cảm xúc (thiền, yoga...) và có chế độ tập luyện, vận động phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi trời nóng, nguy cơ bệnh trở nặng gia tăng do cơ thể phản ứng bằng giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt. Vì vậy cơ thể nhanh mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến mệt lả, muốn ngất. Muốn phòng tránh chị phải uống bù nước thường xuyên khi trời nóng, khi làm việc đổ mồ hôi nhiều. Nên tránh đi nắng lâu vào những giờ nắng gắt, chống nắng bằng nón, áo khoác, dù... và nhanh chóng vào bóng râm ngồi nghỉ, uống nước khi bắt đầu thấy hơi mệt.

Làm việc này 2 tháng sẽ tăng 32% nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim

Tạp chí khoa học European Heart Journal vừa công bố nghiên cứu quy mô lớn phối hợp giữa Đại học Tulane và Trường Y tế công cộng Havard T.H. Chan (Mỹ), chỉ ra việc liên tục uống kháng sinh trong 2 tháng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở phụ nữ.

TIN MỚI NHẤT