Nhiều trẻ gặp tai nạn bất ngờ ngày Tết: Phòng tránh và xử lý đúng cách

Nuôi dạy con 22/01/2023 22:05

Trẻ nhỏ có thể gặp các tai nạn ở nhà như ngã vào xô nước, hồ non bộ, phỏng, điện giật, uống nhầm hóa chất, dị vật đường thở, đường tiêu hóa, ngộ độc... Vì vậy, luôn cần có người trông nom trẻ nhỏ.

Theo thông tin từ Zingnews đêm 21/1 (tức 30 tháng Chạp, năm Nhâm Dần), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) bất ngờ tiếp nhận một bệnh nhi 13 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch, nôn ói liên tục.

Theo ghi nhận từ gia đình, sau khi nuốt nhầm viên mứt khô nhỏ, bé đã nôn ói và bỏ bú gần 2 ngày qua.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ ghi nhận bụng bé đã chướng căng, có dấu hiệu tắc ruột rõ ràng. Thay vì mổ nội soi, bệnh nhân buộc chịu mổ hở vì dị vật cứng choán toàn bộ không gian ruột, các đoạn ruột trước sau hẹp và phình giãn to khó lường.

Nếu để lâu và xử trí không khéo dễ hoại tử, thủng ruột, ngay lập tức, ê-kíp trực ngoại khoa đã phẫu thuật, xử trí khéo léo phần ruột cho bé và lấy dị vật ra ngoài.

Mới đây, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng cho biết đơn vị này đang điều trị cho trẻ 4 tuổi gặp tai nạn rất nặng do bất cẩn ngã khi cùng mẹ dọn nhà đón Tết.

Nhiều trẻ gặp tai nạn bất ngờ ngày Tết: Phòng tránh và xử lý đúng cách - Ảnh 1
Bé P.N.P.Tr. ngã từ gác lửng cao 3 m xuống tầng trệt. Ảnh: Zing

Theo lời kể của gia đình, bé P.N.P.Tr. ngã từ gác lửng cao 3 m xuống tầng trệt. Sau khi ngã, trẻ bất tỉnh 5 phút rồi quấy khóc, chảy máu mũi, sưng bầm 2 mắt và trán.

Khi nhập viện, trẻ lơ mơ, phổi thô, bụng mềm, bầm da máu tụ vùng trán, sưng bầm mắt 2 bên, đọng máu mũi và được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch.

Sau hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết ngoài màng cứng vùng trán và hố thái dương hai bên, xuất huyết dưới nhện vùng đỉnh trái, gãy phức tạp xương sọ mặt, gãy xương trần ổ mắt, theo dõi kẹt cơ trực trên - dập phổi 2 bên và chuyển sang khoa Hồi sức ngoại.

Chia sẻ với Zingnews, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý trẻ nhỏ có thể gặp các tai nạn ở nhà như ngã vào xô nước, hồ non bộ, phỏng, điện giật, uống nhầm hóa chất, dị vật đường thở, đường tiêu hóa, ngộ độc... Vì vậy, luôn cần có người trông nom trẻ nhỏ.

 

Bên cạnh đó, ngoài trang trí ngôi nhà đẹp để đón xuân vui Tết, phụ huynh nên thiết kế ngôi nhà của mình thật an toàn cho trẻ nhỏ.

- Cửa sổ nên được bố trí có lưới che chắn

- Cầu thang gác có nắp đậy

- Cửa ra vào lan can đóng, khóa cẩn thận

- Các ổ điện nên có nút che. Các thiết bị điện gây bỏng nên để cao xa tầm với trẻ

- Xô nước phải được đậy kín hoặc trút hết nước, hòn non bộ nên để ít nước

- Những đồ trang trí bằng điện kết nối dây kẽm phải được che chắn

- Bình hoa, các vật nặng, tủ bàn phải được cố định để tránh ngã đổ

- Các loại hóa chất, xăng dầu, thuốc men, các vật dụng sắc nhọn… phải được để xa tầm với trẻ.

Nên xử lý ra sao với tiền lì xì của con?

Trong dịp Tết nguyên đán, việc dạy các bài học về tài chính và kinh doanh cho trẻ em là thời điểm khá phù hợp.

TIN MỚI NHẤT