Đừng để điểm số thi cử là 'ngòi nổ' của những dồn nén

Nuôi dạy con 07/02/2022 09:11

Thành tích, thi cử đang khiến con trẻ gánh trên vai những áp lực không nhỏ dẫn đến những hành động dại dột. Cha mẹ, gia đình cần làm gì để con có một tuổi thơ đúng nghĩa?

Đừng để điểm số thi cử là 'ngòi nổ' của những dồn nén - Ảnh 1

Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ việc học sinh bị trầm cảm, tâm thần hay thậm chí có những hành động đáng tiếc mà nguyên nhân ít nhiều được cho là có liên quan đến áp lực học tập, thi cử. Những sự việc đó dù bắt nguồn từ nguyên nhân cụ thể nào cũng đều khiến người làm cha mẹ đau lòng, tương lai của các em bị hủy hoại.

Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để giúp học sinh có thể giải tỏa những căng thẳng, vượt qua những áp lực học tập, thi cử để không có những hành động đáng tiếc?

Trao đổi với PV Gia đình Việt Nam, Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết, trong suốt 2 năm qua trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 nhiều địa phương áp dụng biện pháp cách ly xã hội và học sinh không được đến trường học tập mà chủ yếu phải ở nhà học online.

Đừng để điểm số thi cử là 'ngòi nổ' của những dồn nén - Ảnh 2

Trong khi đó, các em học sinh đang ở độ tuổi phát triển, rất hiếu động nên khi phải bó buộc không được giao lưu, tiếp xúc với bạn bè và xã hội sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, cảm xúc.

"Đáng lẽ khi đang ở độ tuổi ăn, tuổi chơi các em học sinh phải được giao lưu, vui chơi với bạn bè và tiếp xúc với xã hội bên ngoài nhưng do dịch bệnh bùng phát làm xáo trộn toàn bộ nên các em không được đến trường, suốt ngày phải quanh quẩn trong nhà đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của các em", Tiến sĩ Phan Quốc Việt phân tích.

Do đó, chuyên gia giáo dục này cho rằng, do chưa hoàn thiện về tâm sinh lý nên khi bị căng thẳng trong một thời gian dài sẽ khiến các em học sinh luôn cảm thấy áp lực, bức xúc bị dồn nén và sẽ không tỉnh táo nên dễ đưa ra những suy nghĩ, hành động tiêu cực.

Đừng để điểm số thi cử là 'ngòi nổ' của những dồn nén - Ảnh 3

"Điểm số kém, thi cử không đạt kết quả tốt cộng với những lời chỉ trích của phụ huynh sẽ như một "ngòi nổ" thổi bùng lên những dồn nén, áp lực đã tích tụ trong một thời gian dài dẫn đến các em không kiểm soát được bản thân, nhiều em rơi vào tình trạng tự kỷ, rối loạn tâm thần...", Tiến sĩ Phan Quốc Việt nói.

Cũng theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt, cần nhìn nhận tổng thể về các biện pháp giảng dạy online hiện nay vì nếu không có sự giao lưu, tương tác qua lại sẽ làm cho các em học sinh tiếp thu kém hiệu quả còn khiến các em chán nản, căng thẳng hơn khi cả ngày phải ngồi trước màn hình thiết bị điện tử.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt đưa ra nhận định: "Học tập đơn điệu, nhàm chán kết hợp với áp lực điểm số kiểm tra, thi cử sẽ không đem lại hiệu quả mà có khi còn phản tác dụng. Chính vì vậy cần nhìn nhận tổng thể để thay đổi các chương trình, phương pháp giáo dục bởi hiện nay dù chúng ta luôn hô hào "chuyển đổi số" nhưng trên thực tế trong giáo dục mới chỉ là là "số hóa" các bài giảng rồi đưa lên mạng".

Đừng để điểm số thi cử là 'ngòi nổ' của những dồn nén - Ảnh 4

Để giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, vượt qua các áp lực trong học tập và thi cử, Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho rằng các thầy cô khi giảng dạy online cần chú ý đến phương pháp truyền tải, tăng cường tương tác chứ không chỉ quá chú trọng về nội dung sẽ tạo cảm hứng học tập cho các em.

Ông cũng dẫn chứng thực tế hiện nay có rất nhiều thầy cô giáo khi giảng dạy online đã có phương pháp truyền tải kiến thức rất hay thông qua những câu chuyện, trò chơi, ngôn từ rất đời thường, dân dã... khiến các em học sinh cảm thấy thích thú, háo hức vì cảm giác thầy cô như những người bạn của mình.

Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt, qua những sự việc đáng tiếc trong thời gian vừa qua, các bậc phụ huynh cũng nên coi đó là tiếng chuông cảnh tỉnh trong việc tạo áp lực lên con cái trong việc "chạy đua" thành tích điểm số, thi cử.

Đừng để điểm số thi cử là 'ngòi nổ' của những dồn nén - Ảnh 5

Do đó, không nên xem thành tích học tập là quan trọng nhất vì thành công không phải cứ điểm cao, kết quả thi tốt mà vô tình so sánh, tạo áp lực khiến trẻ bị tổn thương rồi có những hành động bột phát, tự hủy hoại tương lai của chính mình.

“Chúng ta đều hiểu rằng có sự cạnh tranh, thi đua thì mới phát triển được. Thành tích tốt là rất đáng hoan nghênh nhưng không thể đánh đổi để đạt được bằng mọi giá. Cần tạo một “hệ sinh thái” hài hòa để nuôi dưỡng cả thể chất và tinh thần trong gia đình và nhà trường thì trẻ mới giúp trẻ phát triển toàn diện”, Tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ.

Phát hiện con ăn trộm tiền, cách xử lý của hai người mẹ khác nhau làm nên 2 cuộc đời trái ngược

Đối với mỗi đứa trẻ, cả thế giới quay lưng lại cũng không sao, chỉ cần thế giới của con luôn tin tưởng, bao dung và chỉ cho con đường đi đúng. Thế giới của con chính là Mẹ.

TIN MỚI NHẤT