Vụ cháy bãi giữ xe mô tô tang vật vi phạm hành chính ở Bình Thuận: Ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Đời sống 10/03/2024 13:23

Sau vụ cháy bãi giữ xe mô tô tang vật vi phạm hành chính ở Bình Thuận, nhiều người quan tâm vấn đề đó là ai sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu có xe vi phạm bị cháy.

Nguồn tin từ báo Người Lao Động, ngày 10/3, Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) thông tin liên quan vụ cháy bãi xe tang vật trong trụ sở công an

Theo đó, vụ cháy bắt đầu khoảng 18 giờ ngày 9/3 tại kho tạm giữ mô tô vi phạm của Công an huyện Tánh Linh.

Vụ cháy bãi giữ xe mô tô tang vật vi phạm hành chính ở Bình Thuận: Ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? - Ảnh 1
Hiện trường xảy ra vụ cháy bên trong trụ sở công an huyện Tánh Linh - Ảnh: báo Người Lao Động

 

Ngay khi phát hiện cháy, Công an huyện Tánh Linh đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và người dân gần đó tham gia chữa cháy; đồng thời, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Đức Linh, cách hiện trường hơn 10 km lập tức đến chữa cháy và tiếp tục huy động thêm phương tiện của Đội chữa cháy Trung tâm Phan Thiết lên hỗ trợ.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận cũng trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy. Đến 18 giờ 45 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt.

Theo nguồn tin từ Vietnam Plus, bước đầu, cơ quan chức năng xác định có khoảng 200 xe môtô là tang vật vi phạm hành chính bị cháy hoàn toàn, không có thiệt hại về người.

Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan phối hợp với Công an huyện Tánh Linh khám nghiệm hiện trường, xác minh, làm rõ nguyên nhân và xác định thiệt hại do vụ cháy gây ra.

Vụ cháy bãi giữ xe mô tô tang vật vi phạm hành chính ở Bình Thuận: Ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? - Ảnh 2
Có khoảng 200 xe môtô là tang vật vi phạm hành chính bị cháy hoàn toàn, không có thiệt hại về người - Ảnh: Vietnam Plus

 

Dẫn tin từ báo Pháp Luật TP.HCM, sau vụ cháy, nhiều người quan tâm vấn đề đó là ai sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu có xe vi phạm bị cháy.

Về vấn đề này, theo Điều 9 Nghị định 138/2021 (quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu) thì người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.

Tuy nhiên, để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại (BTTH) trong vụ cháy này, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại... Trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án giải quyết theo luật định.

Vấn đề mấu chốt là xác định chủ xe có mua bảo hiểm hay không, loại bảo hiểm là gì và nguyên nhân của vụ cháy để biết chính xác ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường.

Theo quy định hiện hành, chủ xe cơ giới như ô tô, mô tô hai bánh… phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS).

Theo Điều 5 Nghị định 03/2021 thì phạm vi BTTH khi mua bảo hiểm bắt buộc TNDS gồm: Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra; thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra.

Ngoài bảo hiểm bắt buộc TNDS, chủ xe cơ giới còn có thể mua thêm bảo hiểm vật chất xe. Đây là hình thức bảo hiểm tự nguyện và sẽ bồi thường cho chủ xe cơ giới trong một số trường hợp như xe bị va chạm gây hư hỏng, mất cắp…

Trong trường hợp xảy ra sự kiện được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) sẽ bồi thường cho bên được bảo hiểm (chủ xe cơ giới) theo hợp đồng và có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà DNBH đã bồi thường do người thứ ba gây ra theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Vụ cháy bãi giữ xe mô tô tang vật vi phạm hành chính ở Bình Thuận: Ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? - Ảnh 3
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận cũng trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy - Ảnh: báo Pháp Luật TP.HCM

 

Cạnh đó, khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng quy định: Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và DNBH đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho DNBH.

Như vậy, theo các quy định hiện hành thì quyền yêu cầu bồi thường của người được bảo hiểm (chủ xe cơ giới) được chuyển cho DNBH để tiến hành yêu cầu người thứ ba có lỗi trong việc gây ra thiệt hại bồi hoàn sau khi DNBH đã thanh toán cho người được bảo hiểm.

Trong vụ cháy bãi giữ xe vi phạm thuộc Công an huyện Tánh Linh quản lý, nếu chủ xe cơ giới có mua bảo hiểm xe thì cần phân biệt đó là bảo hiểm bắt buộc hay bảo hiểm tự nguyện.

Trường hợp chủ xe cơ giới chỉ mua bảo hiểm bắt buộc TNDS thì không ảnh hưởng gì đến trách nhiệm BTTH của người gây thiệt hại (người có trách nhiệm trực tiếp quản lý xe hoặc người có lỗi gây ra đám cháy). Bởi lẽ đối với loại bảo hiểm này, DNBH chỉ BTTH cho bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.

Điều này có nghĩa là Công an huyện Tánh Linh (hoặc người gây ra đám cháy) sẽ trực tiếp BTTH cho các chủ xe trong trường hợp này.

Còn đối với trường hợp chủ xe có mua thêm bảo hiểm vật chất xe (bảo hiểm tự nguyện) thì chủ xe yêu cầu DNBH bồi thường cho mình. Sau khi DNBH đã trả tiền bồi thường cho chủ xe, DNBH sẽ có quyền yêu cầu Công an huyện Tánh Linh (hoặc người có lỗi gây ra đám cháy) bồi hoàn cho mình khoản tiền đã bồi thường trước đó.

Lưu ý thêm là trường hợp thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng thì DNBH là đơn vị phải bồi thường cho chủ xe cơ giới. DNBH không có quyền yêu cầu người có trách nhiệm trực tiếp quản lý xe bồi hoàn do người này không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại nên được miễn trừ trách nhiệm BTTH.

Như vậy, trong vụ cháy bãi giữ xe vi phạm hành chính, để xác định chính xác ai là người có trách nhiệm trực tiếp bồi thường thì phải căn cứ vào việc chủ xe có mua bảo hiểm xe hay không, mua loại nào và nguyên nhân gây ra vụ cháy.

Bình Thuận: Án mạng tại khu đất trống, một người ngoại quốc tử vong

Nạn nhân được xác định là người nước ngoài, cao hơn 1,8m khoảng hơn 40 tuổi, chỉ mặc quần đùi và thời gian tử vong khoảng 3-4 ngày.

TIN MỚI NHẤT