Từ vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc: Tiến sĩ tội phạm học 'mách' cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống để an toàn

Đời sống 17/08/2023 12:02

Trước vụ việc bé trai 7 tuổi bị bắt cóc ở Hà Nội, các bậc phụ huynh nên làm gì khi con cái hoặc người thân rơi vào tình huống bị bắt cóc để tống tiền đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo thông tin từ báo Dân Trí, vừa qua, một vụ bắt cóc trẻ em tinh vi, táo tợn để tống tiền xảy ra tại quận Long Biên (Hà Nội). Bé trai 7 tuổi bị Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) bắt giữ trong gần 10 tiếng đồng hồ. Hắn yêu cầu gia đình nạn nhân phải đưa 15 tỷ đồng để chuộc con. 

Nhờ sự bình tĩnh của gia đình, kết hợp với năng lực nghiệp vụ của lực lượng chức năng, bé trai đã được giải cứu an toàn, đối tượng gây án cũng bị bắt giữ.

Trước vụ việc trên, các bậc phụ huynh nên làm gì khi con cái hoặc người thân rơi vào tình huống bị bắt cóc để tống tiền?.

Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc, đánh tráo.

Tuy nhiên nếu trẻ vẫn bị sa vào tay bọn tội phạm, thì chỉ còn cách ứng xử khôn ngoan mới đảm bảo đưa bé trở lại gia đình trong sự an toàn.

Từ vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc: Tiến sĩ tội phạm học 'mách' cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống để an toàn - Ảnh 1
Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu - Ảnh: Báo Dân Trí

Ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc (qua thông tin đối tượng báo về đòi tiền chuộc), ông Hiếu khuyến cáo, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả trường hợp bị đối tượng dọa nạt, ngăn cản báo Công an).

"Việc trình báo cần tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình trẻ.

Kèm theo đơn trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc, như họ tên, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé; tên, số điện thoại của bố mẹ; thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc...", Thượng tá công an nói.

Theo ông Hiếu, khi đối tượng gọi điện tới để đòi tiền chuộc, nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, cần tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng và "xin" chúng đừng làm hại đứa trẻ.

"Cần "diễn" cho khéo, tuyệt đối không được đe dọa sẽ báo công an. Nên tập trung vào việc "mặc cả", thảo luận về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận tiền… để bọn bắt cóc khỏi nghi ngờ", ông Hiếu đưa ra lời khuyên.

Sau đó, gia đình nạn nhân cần hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.

Nếu đối tượng hẹn thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, gia đình cần báo cáo và làm theo hướng dẫn của công an.

"Thường thì đối tượng không bao giờ gặp mặt trực tiếp nhận tiền, mà "điều" gia đình nạn nhân đến vị trí thích hợp, để lại túi tiền rồi ra về. Chúng sẽ đến lấy sau.

Do đó, cha mẹ của trẻ cần tỏ ra ngoan ngoãn thực hiện đúng mọi yêu cầu của chúng", ông Hiếu nói và lưu ý, có vụ án các đối tượng theo dõi nạn nhân ra điểm hẹn, nhưng trên đường đi chúng dàn cảnh cướp giật để lấy túi tiền.

"Về số tiền chuộc, cần thực hiện theo yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng phá án", Thượng tá công an đưa ra lời khuyên.

Theo thông tin từ báo Lao Động, thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, phụ huynh cần nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.

Từ vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc: Tiến sĩ tội phạm học 'mách' cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống để an toàn - Ảnh 2
Bé trai 7 tuổi bị Nguyễn Đức Trung bắt cóc được Công an giải cứu - Ảnh: Báo Lao Động

Dạy cho trẻ biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.   

Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người “những người lạ có thể tin tưởng”.

Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc. Cách từ chối có thể là: “Bố mẹ cháu không cho phép nhận”.

Dạy trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh, có thể hô: “bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với”.

Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.

Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi một mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn. Dạy trẻ phải ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, cảnh sát phản ứng nhanh (113), để khi cần có thể liên lạc được.

Khởi tố đối tượng bắt cóc bé trai 7 tuổi, đòi 15 tỷ đồng tiền chuộc

Đây là diễn biến sau khi Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định kỷ luật cán bộ bằng hình thức tước danh hiệu công an nhân dân đối với Nguyễn Đức Trung - đối tượng bắt cóc trẻ em ở Long Biên, Hà Nội.

TIN MỚI NHẤT