Nước sông Hồng dâng cao buộc quân đội phải quyết định "cắt" cầu phao Phong Châu từ 18h tối 1/10.
- Cảnh báo: Phần còn lại của cầu Phong Châu có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào, đang có dấu hiệu sụt lún, nghiêng đổ
- Vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ): Nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích còn lại
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, tối 1/10, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, nước lũ ở thượng nguồn đổ về khiến lũ sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn.
Trước tình hình trên, Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh tạm thời cắt cầu phao (được lắp thay thế cho cầu Phong Châu bị sập) từ 18 giờ chiều cùng ngày, cho đến khi có thông báo mới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay mực nước trên sông Thao (sông Hồng) tại Yên Bái đang lên nhanh.
Lúc 18 giờ, mực nước tại trạm Yên Bái 31,13 m, trên báo động 2 là 0,13 m.
Dự báo, trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục lên trên mức báo động 3. Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt đỉnh, sau xuống và ở trên mức báo động 3.
Theo thông tin từ báo Dân Trí, cầu phao Phong Châu mới được Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) lắp đặt, đưa vào vận hành từ 6h sáng 30/9, thời gian cho phép phương tiện qua lại từ 6h đến 22h hàng ngày.
Để lắp cầu phao này, Lữ đoàn 249 đã huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ và gần 90 phương tiện các loại tham gia thực hiện nhiệm vụ. Trước đó, Lữ đoàn 249 đã phải gia cố trên 11.000m3 đá ở hai bến và đường lên xuống cầu; tiến hành các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi vận hành cầu phao.
Để bắc cầu, Lữ đoàn 249 sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố. Sau khi hoàn thành việc bắc cầu, đơn vị tổ chức thông xe kỹ thuật, kiểm tra, hiệu chỉnh kỹ thuật, hoàn tất các công đoạn.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, trong ngày 1/10 Lữ đoàn 126 (Quân chủng Hải quân) đã cử 42 người, bao gồm cán bộ chỉ huy, đặc công "người nhái" cùng nhiều phương tiện chuyên dụng như xuồng cao su, máy lặn đồng hồ, máy nén khí tiến hành lặn tìm kiếm người mất tích sau sự cố sập cầu Phong Châu.
30 "người nhái" tinh nhuệ đã tiến hành lặn, rà soát tổng quan từ chân cầu Phong Châu, bán kính rộng 10km, các khu vực nước xoáy, luồng chảy; rà soát khu vực cầu sập.
Lực lượng chức năng đã huy động phương tiện tìm kiếm, phá dỡ chuyên dụng của Bộ Quốc phòng; xây dựng kế hoạch, phương án trục vớt phần cầu bị sập và phương án giúp tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Vụ sập cầu Phong Châu sáng 9/9 khiến 8 người gặp nạn, đến nay vẫn còn 4 người đang mất tích, gồm: Nguyễn Thị Lan (19 tuổi, trú ở huyện Tam Nông, Phú Thọ); Nguyễn Hà Chi (19 tuổi, ở Đắk Nông); Nguyễn Thị Bích Hằng (36 tuổi, TP Việt Trì, Phú Thọ); Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ).
Cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã phê duyệt khoản kinh phí hơn 9 tỷ đồng để triển khai trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu.