Cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà đúng cách

Chăm sóc con 07/10/2019 10:30

Dù là một bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7- 10 ngày, nhưng không biết chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách thì cũng có thể gây ra những biến chứng  nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não... để lại di chứng nặng nề sau này.

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus mang tên Varicella Zoster Virus gây ra. 90% số người chưa tiêm phòng vacxin có khả năng rất cao bị mắc bệnh. Thông thường, bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi vào mùa đông xuân. Bệnh thủy đậu có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, người lành dễ bị nhiễm bệnh khi hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc chảy mũi... Vì vậy, khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu bạn cần phải cẩn thận. Đầu tiên hãy lắng nghe tư vấn của bác sĩ sau đó lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị thủy đậu thật chi tiết để đảm bảo an toàn cho người bệnh và cho bản thân.

Cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà

Bệnh thủy đậu có khả năng bùng phát thành dịch nếu như không có phương pháp chăm sóc đúng cách. Do đó, ngay khi phát hiện bệnh, bạn cần cho trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Khi ra viện và về nhà vẫn phải cách ly đến khi khỏi hẳn. Cho bé nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời. Thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn. Bất kì ai tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu đều phải đeo khẩu trang. Các vật dụng cá nhân, sinh hoạt hàng ngày như khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa... đều phải dùng riêng. Bên cạnh đó, khi chăm sóc trẻ, các mẹ còn phải chú ý một số điều sau đây:

Trẻ bị thủy đậu cần được chăm sóc chu đáo
Trẻ bị thủy đậu cần được chăm sóc chu đáo
  • Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch, cắt móng tay, giữ móng tay trẻ sạch nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
  • Vệ sinh cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm. Quần áo của trẻ cần luộc qua nước sôi để tiêu diệt vi khuẩn. Để tránh tình trạng các nốt phỏng vỡ và lây lan, mẹ nên mặc quần áp rộng, nhẹ, mỏng cho bé. Đặc biệt, quần áo cần thấm hút mồ hôi tốt.
  • Trong quá trình chăm sóc trẻ mẹ tránh làm vỡ các nốt phỏng vì sẽ để lại sẹo và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Nếu không may làm vỡ, mẹ hãy dùng dung dịch xanh Milian để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ, làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh. Khi nốt phỏng chưa vỡ thì không cần thiết phải bôi.
  • Trẻ bị thủy đậu sốt cao mẹ cần cho uống nhiều nước để làm mát cơ thể cũng như bù lại lượng nước đã mất. Đồng thời, mẹ dùng thêm thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng, có mủ, vùng da xung quanh tấy đỏ.
Mẹ cần cắt móng tay cho trẻ bị thủy đậu
Mẹ cần cắt móng tay cho trẻ bị thủy đậu

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của trẻ bị thủy đậu mẹ cần phải quan tâm đặc biệt, bởi đây là nguồn cung cấp năng lượng trực tiếp để giúp trẻ nhanh hồi phục.

Những thực phẩm mẹ nên cho bé ăn như là:

Mẹ cần bổ sung rau xanh, trái cây cho trẻ để tăng sức đề kháng
Mẹ cần bổ sung rau xanh, trái cây cho trẻ để tăng sức đề kháng
  • Rau xanh, trái cây: Đây là những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất mà mẹ cần bổ sung vào thực đơn của trẻ khi đang bị thủy đậu. Đặc biệt, các loại rau củ quả dồi dào vitamin A, vitamin C, bio-flavonoid như cà rốt, dưa chuột, bông cải... sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và nhanh làm lành vết thương trên da.
  • Thực phẩm giàu kẽm, magie, canxi như: ngũ cốc nguyên hạt, mầm lúa mì, rau chân vịt, nấm, các loại hạt, yến mạch, hạt bí ngô, socola đen... giúp trẻ lấy lại dần vị giác, tăng cường khả năng miễn dịch, chống bệnh nhiễm khuẩn.
  • Cho trẻ ăn các món ăn thanh đạm, thức ăn dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa như cháo đậu xanh, cháo gạo lứt, cháo tiểu mạch, cháo củ năng... dễ hấp thu, tốt cho hệ tiêu hóa.

Một số loại thực phẩm nên kiêng khi bị thủy đậu:

  • Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng như ớt, gừng, tiêu, mù tạt, tỏi, hành tây... hoặc quá mặn gây nhiệt miệng, đau họng, vỡ nốt phỏng.
  • Các thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bơ, phô mai, yogurt có thể sưng viêm và khiến da bé lâu lành tổn thưởng.
  • Các loại thịt có tính ấm, nóng như thịt gà, thịt chó, thịt bò... có thể tăng nguy cơ bội nhiễm.
  • Hải sản chứa nhiều histamine có thể gây dị ứng, ngứa.
  • Nhục quế là thực phẩm kỵ nhất khi bị bệnh thủy đậu, khiến cơ thể ôn nhiệt trợ hỏa, tổn thương dễ khiến bệnh trầm trọng hơn.

 

Khi bị thủy đậu không nên cho trẻ ăn thị bò
Khi bị thủy đậu không nên cho trẻ ăn thị bò

Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc con, các mẹ hãy tìm hiểu thêm về vấn đề bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì để tránh được những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em

Hiện nay, bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Cách điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là điều trị các triệu chứng để làm bệnh tình thuyên giảm và tự khỏi sau 7-10 ngày.

Bệnh thủy đậu phát triển theo từng giai đoạn, vào mỗi giai đoạn sẽ có biện pháp can thiệp cụ thể. Ở giai đoạn khởi phát, trẻ thường biểu hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, đau nhức cơ. Lúc này các mẹ hãy cho bé uống thuốc hạ sốt, cho bé nghỉ ngơi đầy đủ.

Tiếp theo là giai đoạn toàn phát của bệnh, lúc này trên người trẻ xuất hiện các “nốt rạ”. Ban đầu là những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 đến 24 giờ, sau đó tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, rồi khô đi, bong vảy và tự khỏi hoàn toàn sau 4 đến 5 ngày. Để hạn chế để lại sẹo, khi mụn nước vỡ sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên, không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.

Để hạn chế mắc bệnh này, cách duy nhất là các mẹ cần phải cho trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định, theo lịch tiêm như sau:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 12 tháng.

Mũi 2:

  • 1-13 tuổi: cách mũi 1 ít nhất 3 tháng.
  • Từ 13 tuổi trở lên: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.

Nếu tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu mà bạn chưa tiêm ngừa vacxin thì cần chủng ngừa trong vòng 3 ngày sau đó. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, không chạm vào các mụn nước của bệnh nhân.

Một số sai lầm bố mẹ hay mắc phải khi chăm sóc trẻ thủy đậu

Nhiều cha mẹ cho rằng khi trẻ bị thuỷ đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ. Đây là một sai lầm, khiến trẻ bị viêm da bội nhiễm, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết vì không giữ vệ sinh tốt. Không chỉ cần tắm rửa mà cha mẹ còn phải chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng nước sát trùng bởi các nốt phỏng có thể mọc trong miệng và vỡ ra, gây bội nhiễm khiến trẻ không ăn được. Lúc này mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ chống lại bệnh tật.

Không nên tắm nước lá cho trẻ bị thủy đậu
Không nên tắm nước lá cho trẻ bị thủy đậu

Một số trường hợp, cha mẹ vẫn vệ sinh, cho trẻ tắm rửa nhưng dùng nước lá. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh da rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định, rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Theo thống kê, hơn 90% các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Các lá dùng để tắm cho trẻ thường bụi bặm đôi khi có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, dù đã đun sôi nhưng nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn vẫn rất cao. Do đó, việc tắm lá sẽ làm cho tình trạng thủy đậu của trẻ nặng thêm.

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp các mẹ biết được cách chăm sóc trẻ thủy đậu tại nhà đúng cách cũng như cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em hiệu quả, để nhanh hồi phục và tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.  

Mùa dịch bệnh thủy đậu ở trẻ em: Chi tiết cách điều trị và những kiêng kỵ

Thủy đậu có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Vì vậy bố mẹ cần phải nắm rõ các dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh để điều trị kịp thời.

TIN MỚI NHẤT