Test nhanh tại nhà có thể không phát hiện ra COVID-19 'ẩn mình': Chuyên gia chỉ cách xét nghiệm đúng

Tin y tế 24/04/2023 09:45

Theo chuyên gia, việc xét nghiệm nhanh tại nhà bằng cách lấy dịch từ mũi không phải lúc nào cũng kết quả chính xác. Dưới đây là cách xét nghiệm đúng

Cụ thể, theo Tổ quốc, các nhà khoa học cho biết, tải lượng virus có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19. Do đó, nếu tải lượng virus nằm ở vùng mũi ít thì việc chỉ lấy dịch từ mũi có thể cho kết quả xét nghiệm không chính xác.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc lấy thêm dịch từ cổ họng và miệng có thể cho kết quả xét nghiệm COVID-19 chính xác hơn.

Theo chuyên gia Natasha Shelby, virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm nước bọt vài ngày trước khi được phát hiện qua các mẫu xét nghiệm lấy dịch từ mũi.

Nghiên cứu báo cáo rằng một số người cho kết quả âm tính với COVID-19 khi xét nghiệm lấy dịch từ mũi trong khi các mẫu xét nghiệm lấy từ nước bọt hoặc dịch họng hoặc xét nghiệm PCR (Xét nghiệm PCR thường cho kết quả chính xác nhất) lại cho kết quả dương tính.

Chuyên gia Shelby nói: “Trong một số trường hợp, tải lượng virus có thể tập trung nhiều tại cổ họng và tập trung ít tại khu vực mũi. Do đó, trong trường hợp này nếu chỉ xét nghiệm bằng dịch ở mũi thì nó vẫn sẽ cho kết quả âm tính”.

Test nhanh tại nhà có thể không phát hiện ra COVID-19 'ẩn mình': Chuyên gia chỉ cách xét nghiệm đúng - Ảnh 1
Test COVID-19. Ảnh: Internet

Chuyên gia cho biết thêm: Mọi người nên thử lấy dịch từ nhiều khu vực khác nhau (cả dịch từ mũi và dịch họng), đặc biệt là ở giai đoạn đầu mắc COVID-19, khi tải lượng virus còn thấp và có tải lượng khác nhau ở khu vực mũi và họng".

Theo Rustem Ismagilov, giáo sư hóa học và kỹ thuật hóa học tại Caltech và chuyên gia nghiên cứu về COVID-19, việc lấy dịch xét nghiệm từ nhiều khu vực có thể cho kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, chuyên gia không khuyến khích mọi người sử dụng cùng 1 que test để lấy dịch ở cả mũi và họng. Thay vào đó, mọi người nên dùng các que test riêng cho từng vị trí.

Ngoài ra, chuyên gia cũng cho biết, có nhiều cách để giúp kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 chính xác hơn.

GS Campbell cho biết nếu bạn xét nghiệm ngay sau khi tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, tỷ lệ cho kết quả dương tính ngay tại thời điểm đó sẽ rất thấp. Bởi vì tải lượng virus của mọi người thường thấp khi mới bắt đầu nhiễm bệnh. Do đó, chuyên gia cho biết mọi người nên thực hiện xét nghiệm sau mỗi 2 ngày, 5 ngày và 7 ngày kể từ khi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh hoặc khi xuất hiện các triệu chứng của COVID-19.

Test nhanh tại nhà có thể không phát hiện ra COVID-19 'ẩn mình': Chuyên gia chỉ cách xét nghiệm đúng - Ảnh 2
Test nhanh COVID-19. Ảnh: Internet

Một cách khác nữa giúp kết quả xét nghiệm COVID-19 chính xác hơn là bạn nên xét nghiệm vào buổi sáng khi mới thức dậy.  

Theo Bộ Y tế hiện nay, đa số các trường hợp mắc Covid-19 có biểu hiện nhẹ và được theo dõi tại nhà. Người dân cũng có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình ngay tại nhà với hướng dẫn của Bộ Y tế:

Phương pháp theo dõi

Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi

Theo Bộ Y tế, phụ huynh cần theo dõi sát sao các dấu hiệu của con gồm: Tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo nồng độ oxy trong máu SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào dưới đây, người chăm sóc phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà (trạm y tế xã, phường; trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu...) để được khám, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời, thậm chí đưa trẻ mắc Covid-19 đến các cơ sở y tế gần nhất:

Tinh thần: Trẻ quấy khóc, không chịu chơi, không hóng chuyện; li bì hoặc co giật.

Sốt cao liên tục trên 39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt,chườm/lau người bằng nước ấm; sốt không cải thiện sau 48 giờ.

Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ dưới 2 tháng tuổi thở ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng thở ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi thở ≥ 40 lần/phút.

Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn. SpO2 dưới 96% (nếu có máy đo SpO2).

Tím tái.

Mất nước: Môi se, mắt trũng, khát nước, tiểu ít.

Nôn mọi thứ.

Trẻ không bú hoặc không ăn, uống được.

Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ gia đình nhận thấy cần khám, chữa bệnh.

Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ từ 5 đến 16 tuổi

Tương tự trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, gia đình có trẻ từ 5 đến 16 tuổi mắc Covid-19 cần theo dõi thêm một số dấu hiệu là: Ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

Các dấu hiệu cần đưa trẻ tới cơ sở y tế hoặc thông báo cho đơn vị quản lý ca mắc Covid-19 là:

Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi ≥ 20 lần/phút.

Thở bất thường: Co kéo hõm ức, liên sườn. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2).

Cảm giác khó thở.

Ho thành cơn không dứt.

Đau tức ngực.

Không ăn/uống được.

Nôn mọi thứ.

Tiêu chảy.

Trẻ mệt, không chịu chơi.

Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ.

Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ gia đình thấy cần khám, chữa bệnh.

Đối với F0 điều trị tại nhà là người trên 16 tuổi

Bản thân bệnh nhân và gia đình cần theo dõi các yếu tố của bệnh nhân gồm:

Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo, các triệu chứng khác như đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ.

Các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân cần nhập viện gồm:

Khó thở, thở hụt hơi.

Nhịp thở ≥ 20 lần/phút.

SpO2 ≤ 96%.

Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

Huyết áp thấp: Huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg (nếu có thể đo).

Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật.

Không thể ăn uống do nôn nhiều.

Bất kỳ tình trạng bất ổn nào bệnh nhân và gia đình nhận thấy cần khám, chữa bệnh.

 

Xử trí khi mắc COVID-19 tại nhà, các phương pháp cần lưu ý

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách xử trí khi mắc COVID-19 tại nhà, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

TIN MỚI NHẤT