Rộ tin cô gái trẻ nhiễm HIV sau khi làm móng: Bác sĩ nói gì?

Sức khỏe 22/07/2023 11:52

Câu chuyện cô gái sau khi đi làm móng về phát hiện nhiễm HIV đang gây xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo nội dung được chia sẻ, cô gái sinh năm 2003 này cho rằng, nguyên nhân mình mắc căn bệnh thế kỷ là do lúc lấy da thừa ở tiệm làm móng bị chảy máu, tạo cơ hội cho virus lây nhiễm.

Rộ tin cô gái trẻ nhiễm HIV sau khi làm móng: Bác sĩ nói gì? - Ảnh 1
Câu chuyện đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Bài viết khi được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng.

Bên cạnh những lời động viên dành cho cô gái, không ít người tỏ ra nghi ngờ tính thực hư của câu chuyện. Bởi lẽ việc lây nhiễm HIV trong quá trình làm móng dường như là một trường hợp hy hữu, thậm chí phải nói là hiếm gặp.

Tuy nhiên, theo BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, làm đẹp không an toàn và thậm chí là không ít hoạt động thường ngày khác tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh tật, trong đó có HIV.

Bác sĩ Thiệu cho biết, HIV là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người này sang người khác qua ba con đường: Từ mẹ sang con, qua đường máu và quan hệ tình dục không an toàn.

“Trong quá trình làm móng, thợ nail sẽ dùng kìm lấy sạch da, cắt khóe chân, khóe tay có thể gây chảy máu. Vì thế nếu người đó nhiễm HIV sẽ trở thành nguồn lây nhiễm bệnh cho người khác. Bạn sử dụng kìm chung đó chưa sát khuẩn, có vết thương hở sẽ tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh này”, vị bác sĩ chia sẻ.

Không chỉ làm móng, các biện pháp như cạo râu, đi xăm, phun thẩm mỹ nếu không đảm bảo quy trình nhiễm khuẩn đều có nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu khác.

Rộ tin cô gái trẻ nhiễm HIV sau khi làm móng: Bác sĩ nói gì? - Ảnh 2
Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm từ việc làm móng luôn khiến chị em phụ nữ lo lắng (Ảnh minh họa)

"Hiện nay, với các loại thuốc và phương pháp điều trị, HIV không còn là "án tử". Người nhiễm HIV vẫn có thể có cuộc sống như bình thường.

Nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và điều trị kịp thời, đúng với phác đồ bằng thuốc ARV thì sau ba tháng nồng độ virus trong máu sẽ giảm mạnh. Khi ấy, người nhiễm sẽ dần hồi phục thể trạng, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp”, vị chuyên gia phân tích.

Tuy nhiên, HIV vẫn là một căn bệnh cần được lưu tâm. Người nhiễm HIV sẽ bị suy giảm khả năng miễn dịch và gây ra bệnh AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).

Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, tăng sức đề kháng khỏi các tác nhân gây bệnh.

"Nếu nhiễm HIV, cơ thể người nhiễm sẽ mất đi khả năng chống lại các nhiễm trùng và một số bệnh lý ác tính khác", BS Thiệu thông tin.

Do đó, để tránh nguy cơ nhiễm HIV qua việc làm đẹp như trên, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp sau:

- Lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, an toàn.

- Khử trùng sạch sẽ các dụng cụ làm đẹp trước và sau khi sử dụng.

- Khi đi làm móng nên mang theo dụng cụ làm móng cá nhân.

- Thực hiện thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế khi có triệu chứng lây nhiễm.

Thợ làm móng tiết lộ 7 điều mà các tiệm không muốn khách hàng biết, chị em có nhu cầu làm đẹp ăn tết cần cẩn trọng nếu không muốn mắc ung

Những tiết lộ này của thợ làm móng sẽ phải khiến chị em suy nghĩ kỹ và chú ý hơn trước khi trang hoàng bộ móng tay, chân của mình để ăn tết.

TIN MỚI NHẤT