Cấp cứu thành công thiếu nữ 16 tuổi nghi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira

Sức khỏe 19/07/2023 19:30

Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực-Chống độc của Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã điều trị thành công ca bệnh bị sốc nhiễm khuẩn-suy đa tạng: suy thận, suy gan cấp, viêm phổi nghi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, một bệnh nhân 16 tuổi trú tại Quảng Ninh bị sốc nhiễm khuẩn-suy đa tạng: suy thận, suy gan cấp, viêm phổi nghi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira đứng trước nguy cơ tử vong và may mắn được bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cứu sống. 

Ngày 13/7, bệnh nhân L.N.L (16 tuổi) được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, da vàng đậm, niêm mạc nhợt, đau đầu nhiều, đau nhức mỏi bắp chân, đau bụng thượng vị, buồn nôn, đau tức ngực, khó thở, ho cơn, khó khạc đờm. Trong khi đó, dấu hiệu sinh tồn trên monitor đo được: Mạch nhanh, không đều dao động 100-150 lần/phút, huyết áp tụt dao động từ 75/40 mmHg- 100/60 mmHg, SPO2 dao dộng từ 80-95%.

Cấp cứu thành công thiếu nữ 16 tuổi nghi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira  - Ảnh 1
Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cứu sống ca bệnh bị sốc nhiễm khuẩn-suy đa tạng - Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao và chỉ định làm thêm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm các chỉ số đều ở mức báo động (Bilirubin toàn phần: 159,9 µmol/L tăng dần; Creatinin: 269,3 µmol/L; CRP: 56,6 mg/L; Urê máu: 24,16 mmol/L; GPT: 148,2 U/L, GOT: 218,8 U/L…). Với kết quả trên, các bác sĩ chỉ định đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt Artline catheter động mạch, đo huyết áp xâm lấn liên tục.

Cùng với đó, kíp cấp cứu tiến hành hỗ trợ đường thở, hồi sức tích cực, duy trì vận mạch, kháng sinh phối hợp, lợi tiểu, trợ gan, truyền huyết tương, albumin, theo dõi nước tiểu hàng ngày qua sonde tiểu lưu…cho người bệnh.

Với phương pháp điều trị trên bệnh nhân dần có chuyển biến. Qua xét nghiệm tình trạng suy gan giảm, hết suy thận, tình trạng nhiễm trùng được khống chế, tiểu tốt. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đang dần hồi phục, ăn uống ngon miệng dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Leptospira là một vi sinh vật hình xoắn, di động. Tác nhân gây bệnh ở người thường gặp nhất: Leptospira icterohemorragiae, L.batavia, L.grippotyphosa. Bệnh mang tính chất nghề nghiệp do thường xảy ra cho người làm nghề chăn nuôi, giết mổ súc vật; công nhân vệ sinh nạo vét cống, nhân viên thú y; công nhân làm việc ở các công trường xây dựng, thủy điện và cũng thường gặp ở các đơn vị quân đội khi hành quân qua các vùng bùn lầy hoặc rừng. Bệnh thường gia tăng khi ngập lụt. Bệnh gây tổn thương cùng lúc nhiều cơ quan gan, thận, màng não…; bệnh dễ nhầm với sốt rét nặng thể vàng da, viêm gan siêu vi…

Cấp cứu thành công thiếu nữ 16 tuổi nghi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira  - Ảnh 2
Bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospira) thuộc nhóm bệnh lây từ động vật (chủ yếu là của chuột và gia súc) ngẫu nhiên truyền cho người, bệnh thường gặp ở các nước nông nghiệp chăn nuôi - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Sau khi xuyên qua các vết trầy sướt ở da và niêm mạc, xoắn trùng Leptospira đi vào máu và ở tại đây trong những ngày đầu của bệnh. Nhờ tính chất di chuyển xoắn ốc mà Leptospira có thể dễ dàng đến các nội tạng và tấn công đặc biệt vào các mô và cơ quan: gan, thận, thượng thận. Các tổn thương đa cơ quan gây ra các rối loạn chức năng vàng da, suy thận, tán huyết nội mạch, lách to, hạch to, sung huyết thượng thận…

Bệnh có những biểu hiện rất điển hình như sốt cao; mệt mỏi; nhức đầu; sung huyết kết mạc mắt; đau cơ nhiều nhất là ở cơ bụng chân, cơ lưng, cơ bụng, đau nhiều hơn khi xoa bóp, có thể đau rất nhiều khiến cho bệnh nhân không đi lại được, đôi khi kèm theo đau khớp. Trường hợp nặng xuất hiện vàng da sậm, suy thận, xuất huyết, viêm màng não, viêm cơ tim và tử vong.

Ăn tiết canh thường xuyên, người đàn ông nhiễm khuẩn liên cầu lợn nguy kịch

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.V.T. (59 tuổi, sống ở thị trấn Cao Lộc) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn, ù tai, cứng gáy, trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, đỏ tía vùng tay chân, mạn sườn.

TIN MỚI NHẤT