Cảnh báo loại bệnh dễ 'tấn công' cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ nhắc một việc dù trẻ hay già cũng nên tránh

Sức khỏe 18/12/2023 10:48

Việc thay đổi thời tiết đột ngột sẽ khiến cơ thể không thích nghi được, thậm chí sự chênh lệch giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời cũng có thể khiến cơ thể mất cân bằng và dễ mắc bệnh.

Theo thông tin được đăng tải trên trang Web Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Các nghiên cứu tại Pháp cho thấy đỉnh cao của đột quỵ tại nước này rơi vào các tháng Hai và tháng Tư – thời điểm trời lạnh nhất trong năm. Các nghiên cứu từ các quốc gia như Phần Lan, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Iran đều báo cáo rằng đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng lạnh hơn so với những tháng ấm hơn.

Cảnh báo loại bệnh dễ 'tấn công' cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ nhắc một việc dù trẻ hay già cũng nên tránh - Ảnh 1
Mùa lạnh, đột quỵ gia tăng, đặc biệt ở người lớn tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Cụ thể, ở Miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12. Tại Miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều như phía bắc, trong 3 tháng này số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30-50 % tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm. 

Bác sĩ Minh Đức cũng cho biết thêm, khoảng 60-70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85% .

Làm rõ cơ chế vì sao lại dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh, TS.BS Minh Đức cho hay, khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.

Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não. 

“Việc ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng giúp làm ấm cơ thể nhưng lại ít vận động khi trời lạnh cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ mùa lạnh”, TS. BS Minh Đức chia sẻ.

Cảnh báo loại bệnh dễ 'tấn công' cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ nhắc một việc dù trẻ hay già cũng nên tránh - Ảnh 2
Khi thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh bất thường cơ thể không thích ứng kịp - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân đột quỵ mùa lạnh

Cụ thể, các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng đột quỵ mùa lạnh bao gồm:

Nguyên nhân

Xuất huyết não: Thời tiết lạnh có thể làm co các mạch máu, làm tăng áp lực lên mạch máu và dẫn đến tăng huyết áp, từ đó dẫn đến xuất huyết não – nguyên nhân đột quỵ phổ biến.

Tắc nghẽn mạch máu: Khi trời lạnh, cơ thể sản xuất nhiều hồng cầu lẫn tiểu cầu, làm cho máu vón cục và hình thành máu đông, dẫn đến đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não.

Yếu tố nguy cơ

Béo phì: Trong thời tiết lạnh, chúng ta thường ít vận động hơn, dẫn đến tăng trọng lượng, tăng nguy cơ béo phì – một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Thực phẩm: Mùa lạnh làm chúng ta có xu hướng tiêu thụ các loại thực phẩm giàu năng lượng, bao gồm các loại thực phẩm nhiều chất béo, giàu calo. Điều này cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ mùa lạnh.

Viêm nhiễm: Mùa lạnh thường liên quan đến tăng số ca nhiễm viêm phổi và cảm cúm. Các bệnh này có thể gây viêm, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Trầm cảm: Thiếu ánh nắng mặt trời, thiếu hoạt động thể chất và không thể ra ngoài vào mùa lạnh đều đã được chứng minh là góp phần gây ra trầm cảm theo mùa vào mùa đông. Và trầm cảm cũng được chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ và dẫn đến hậu quả đột quỵ nặng hơn.

Cảnh báo loại bệnh dễ 'tấn công' cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ nhắc một việc dù trẻ hay già cũng nên tránh - Ảnh 3
Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông - Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ Người Đưa Tin, để phòng tránh căn bệnh "tử thần" này, các bác sĩ đặc biệt khuyến cáo cần duy trì sự ấm áp, ổn định nhiệt độ cơ thể, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Hạn chế ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi đêm và sáng sớm, có thể chuẩn bị dụng cụ vệ sinh trong nhà vào buổi đêm, không đi tập thể dục quá sớm. Ngoài ra, cần quản lý bệnh nền theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước và dinh dưỡng đầy đủ.

Người trẻ cũng không tắm quá muộn, không tắm nước lạnh, tránh uống rượu bia khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở mạch máu, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn, trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng. Trường hợp thấy có các biểu hiện như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cần đến ngay cơ sở gần nhất để được cấp cứu, tránh nguy cơ tử vong.

Ăn gì để phòng bệnh đường hô hấp trong mùa lạnh?

Thời tiết chuyển rét đột ngột, cơ thể con người rất nhạy cảm và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Do đó, có chế độ ăn uống khoa học sẽ tăng cường sức đề kháng, giữ nhiệt cho cơ thể.

TIN MỚI NHẤT