Bố mẹ đưa đón đi học hàng ngày nhưng… con vẫn dính bầu

Sức khỏe 29/09/2023 11:00

Khi phát hiện con tuổi teen đã quan hệ tình dục, hay đau lòng hơn là để lại hậu quả hầu hết phụ huynh đều “không tin nổi” vì cho rằng gia đình quản con rất chặt.

Cha mẹ quản lý rất chặt nhưng trẻ vị thành niên vẫn… dính bầu

Chia sẻ tại Hội thảo "Giải quyết các vấn đề mang thai ngoài ý muốn ở Việt Nam" do Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức ngày 28/9, ông Nguyễn Thanh Hảo - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương cho biết tình trạng trẻ vị thành niên, thanh niên ở Việt Nam quan hệ tình dục, mang thai ngoài ý muốn và phá thai đang là vấn đề rất nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy về thể chất, tầm vóc, tinh thần và chất lượng sống.

Cụ thể, tại hội thảo các chuyên gia đã đưa ra một nghiên cứu mới đây cho thấy, hiện tuổi trung bình có quan hệ tình dục lần đầu của nhóm đối tượng điều tra từ 14 - 24 tuổi là 18,7 tuổi, sớm hơn so với kết quả điều tra trước đó (19,6 tuổi năm 2010). 15% số vị thành niên, thanh niên tham gia nghiên cứu cho biết đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân, cao hơn khoảng gấp đôi so với các kết quả điều tra trước đó (năm 2003-2008).

Bố mẹ đưa đón đi học hàng ngày nhưng… con vẫn dính bầu - Ảnh 1
Ông Nguyễn Thanh Hảo - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương chia sẻ tại hội thảo

Ông Hảo kể lại rất nhiều hộ gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên đều cho rằng gia đình quản lý rất chặt, các giờ học thêm, hoạt động ngoại khóa của con, bố mẹ thay nhau đưa và đón tận nơi đúng giờ. Những hoạt động bên ngoài, gia đình hạn chế tối đa không cho con tham gia. Nhưng khi phát hiện con có bầu thì họ “té ngửa” vì không biết các con quan hệ tình dục vào thời điểm nào.

Thậm chí, khi đưa con đến viện, hầu như bà mẹ nào cũng bất ngờ và có chung nỗi lòng: “Con tôi nó ngoan lắm, sao lại có bầu được” và kể cả đến lúc đó, họ vẫn chưa tin vào sự thật.

Trẻ vị thành niên, thanh niên 'hồn nhiên' mua thuốc phá thai

Tại hội thảo, ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho hay, hiện không ít trẻ vị thành niên, thanh niên "hồn nhiên", thoải mái đi vào hiệu thuốc mua không chỉ bao cao su, thuốc tránh thai khẩn cấp mà còn cả thuốc phá thai. Tuy nhiên, theo báo cáo của nhóm chuyên gia, rất nhiều (trên 76%) vị thành niên tham gia nghiên cứu vẫn ngại và sợ ai đó nhìn thấy bản thân mua bao cao su hoặc nghĩ mình đang làm việc gì đó sai trái.

Trong khi đó, khoảng 30% số người trong nhóm nữ từ 15-24 tuổi dù có nhu cầu về biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Ở nhóm chưa từng kết hôn nhưng có quan hệ tình dục, tỷ lệ này còn cao hơn.

Bố mẹ đưa đón đi học hàng ngày nhưng… con vẫn dính bầu - Ảnh 2
Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)

Đáng chú ý, theo báo cáo công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chiếm 2,5-3% tổng số ca mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập.

Ông Tuấn chia sẻ, theo số liệu từ các cơ sở y tế công lập, số ca phá thai vị thành niên có giảm. Nhưng trên thực tế, trẻ vị thành niên lựa chọn phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân nhiều hơn vì không muốn khai báo hành chính, lộ thông tin.

“Ngay cả cha mẹ đưa con đi “giải quyết” cũng lựa chọn cơ sở y tế tư nhân thay vì đến bệnh viện công. Đó là phần chìm của tảng băng mà chúng ta chưa có số liệu”, ông Đinh Anh Tuấn cho biết.

Bố mẹ đưa đón đi học hàng ngày nhưng… con vẫn dính bầu - Ảnh 3
Lãnh đạo các Bộ, ban ngành và các chuyên gia trong nước, quốc tế tham gia hội thảo

Theo các chuyên gia, mang thai, phá thai ở trẻ vị thành niên là một vấn đề đáng quan ngại, nhưng có thể được giải quyết nếu có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể, chúng ta có thể tăng cường giáo dục về sức khỏe sinh sản, cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn, giảm thiểu áp lực từ gia đình và xã hội, và tạo môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ vị thành niên phát triển, điều này có thể giúp giảm thiểu tỷ lệ mang thai, phá thai ở trẻ vị thành niên ở Việt Nam.

Hiện đã có các mô hình được triển khai hiệu quả như: Mô hình góc thân thiện về sức khỏe sinh sản; mô hình truyền thông về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên trong nhà trường; Mô hình tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; mô hình truyền thông về sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình lồng ghép vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; mô hình dịch vụ lưu động lồng ghép truyền thông tại cộng đồng. Các mô hình được triển khai đã giúp nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, tăng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho lứa tuổi vị thành niên.

So với nhiều nước trên thế giới Việt Nam đã có hệ thống chính sách về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên tương đối đầy đủ.

 

Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả với vấn đề mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên cần chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ; tăng cường giáo dục về sức khỏe sinh sản cho trẻ em và thanh thiếu niên; cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn và dễ tiếp cận; tạo môi trường an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên phát triển; loại bỏ các rào cản đối với trẻ em và thanh thiếu niên tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; đặc biệt là phá vỡ những định kiến xấu về mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên.

'Nước ngọt rẻ, uống mãi thành quen', nam thanh niên 22 tuổi 'rước' bệnh vào người, nổi vệt đen khắp nơi trên cơ thể

Khi vào cấp 3, nam thanh niên bắt đầu phát tướng. Sau đó, ở gáy và hai bên nách xuất hiện những vệt đen sẫm giống như người ở bẩn.

TIN MỚI NHẤT