Bệnh suy tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sức khỏe 16/08/2019 17:21

Bệnh suy tim rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong. Chính vì vậy, khi mắc căn bệnh này, bạn cần phải đến bệnh viện thăm khám thường xuyên.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 5 triệu người mới mắc bệnh suy tim hằng năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê trong bệnh viện, có tới trên 60% bệnh nhân nội trú trong các khoa tim mạch bị suy tim ở các mức độ khác nhau. Bệnh nhân suy tim sẽ mất dần khả năng vận động, sinh hoạt, làm việc, dẫn đến chất lượng sống suy giảm, tính mạng bị đe dọa.

Bệnh suy tim là gì?

Bệnh suy tim là căn bệnh nguy hiểm
Bệnh suy tim là căn bệnh nguy hiểm

Suy tim là tình trạng tim bị yếu đi và không thể hoàn thành được chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể một cách bình thường. Chính vì vậy, ở những người bị bệnh suy tim, máu vận chuyển khắp cơ thể và qua tim chậm hơn so với người bình thường.

Khi số lượng máu cung cấp không đủ, các buồng tim có thể đáp ứng bằng cách giãn ra để giữ được nhiều máu hơn, vận chuyển liên tục trong hệ tuần hoàn. Nhưng điều này làm cho cơ tim sẽ bị suy yếu và không thể làm việc một cách hiệu quả, khiến thận có thể phản ứng lại bằng cách giữ lại muối và các chất dịch trong cơ thể. Một khi chất dịch bị ứ đọng sẽ gây ra sung huyết.

Phân độ suy tim

Bệnh suy tim được chia thành 4 cấp độ:

Độ I: Đây là độ nhẹ, người bệnh không bị hạn chế vận động thể lực, các vận động thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.

Độ II: Lúc này người bệnh đã bị hạn chế vận động thể lực nhẹ. Hoạt động thể lực thông thường cũng dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực. Sau khi nghỉ ngơi thì hết các triệu chứng.

Độ III: Người bệnh bị hạn chế nhiều vận động thể lực. Dù được nghỉ ngơi nhiều nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có các triệu chứng mệt, khó thở, thở gấp...

Độ IV: Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng. Đây là mức độ suy tim nguy hiểm, chỉ cần kích động tinh thần nhẹ, người bệnh cũng dễ bị đột quỵ.

Nguyên nhân bệnh suy tim

Suy tim là do các căn bệnh gây tổn thương cơ tim gây ra
Suy tim là do các căn bệnh gây tổn thương cơ tim gây ra

Sự tổn thương cơ tim chính là nguyên nhân gây ra bệnh suy tim. Những bệnh thường gây ra tổn thương cơ tim hay gặp nhất chính là tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim giãn, nghiện rượu, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, tiểu đường, cường giáp, bệnh tự miễn, bệnh tim chu sản… Chính vì vậy, khi mắc một trong những căn bệnh này, bạn không nên chủ quan, cần điều trị sớm, đừng để đi đến “trạm dừng chân cuối cùng” là bệnh suy tim, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: khó thở, mệt mỏi, ho, phù…

Triệu chứng của bệnh suy tim

Những triệu chứng phổ biến mà người bị bệnh suy tim thường gặp như:

Bệnh có nhiều triệu chứng như: khó thở, mệt mỏi, phù chân...
Bệnh có nhiều triệu chứng như: khó thở, mệt mỏi, phù chân...
  • Khó thở khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi.
  • Mệt mỏi.
  • Phù chân, trướng bụng (sự tích tụ dịch trong khoang màn bụng).
  • Mất cảm giác thèm ăn và buồn nôn.
  • Nhịp tim nhanh hoặc bất thường.
  • Tăng cân đột ngột.
  • Ngoài ra còn có một số dấu hiệu bệnh suy tim khác như: Ho, thường thức giấc nửa đêm kèm với thở nông…

Bệnh suy tim có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, suy tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm của nó không chỉ được xác định bằng những lần cấp cứu nhập viện hay triệu chứng khó thở, ho, phù, mệt mỏi… mà còn bị đe dọa bởi 3 biến chứng nguy hiểm như:

Bệnh suy tim rất nguy hiểm
Bệnh suy tim rất nguy hiểm

+ Phù phổi cấp: Tình trạng suy tim thường gây ứ một lượng lớn dịch ở phổi, làm cản trở quá trình hô hấp gây ho khan, khó thở… Nếu bệnh chuyển biến nghiêm trọng thì có thể dẫn tới cơn phù phổi cấp và các triệu chứng khó thở đột ngột, ho ra bọt máu hồng…

+ Đột tử do rối loạn nhịp tim: Những bệnh nhân thường bị rối loạn nhịp tim nhanh, sẽ có nguy cơ đột tử cao. Do đó, để phòng ngừa biến chứng do rối loạn nhịp tim, người bệnh nên đặt máy khử rung tim.

+ Đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Máu ứ trệ trong tim dài ngày dẫn đến kết dính với nhau tạo thành cục máu đông, gây bít tắc động mạch vành, động mạch não, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.

Cách điều trị bệnh suy tim

Phần lớn, mọi người đều thắc mắc, bệnh suy tim có chữa được không? Ai cũng hy vọng rằng căn bệnh này sẽ có biện pháp chữa trị. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có thuốc chữa khỏi suy tim. Căn bệnh này chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng và giúp mọi người sống tích cực hơn. Thông thường để giúp người bệnh kiểm soát huyết áp và hoạt động bơm máu của tim, các bác sĩ có thể kê toa thuốc, bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển.
  • Thuốc ức chế thụ thể.
  • Thuốc chẹn thụ thể beta.
  • Thuốc lợi tiểu.
  • Thuốc đối kháng aldosterone.
  • Inotropes.

Bên cạnh đó, để bệnh ổn định, không bị tăng nặng, người bệnh cần phải có suy nghĩ tích cực, đồng thời thay đổi lối sống: Năng động hơn, bỏ hoặc giảm hút thuốc, kiểm soát căng thẳng, trọng lượng ở mức cho phép, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn nhiều cholesterol…

Đặc biệt là chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. Vì vậy, bệnh suy tim nên ăn gì và không nên ăn gì sẽ được bác sĩ dặn dò rất kỹ. Chế độ dinh dưỡng cần được thiết lập phù hợp với từng giai đoạn, góp phần kiểm soát tình trạng bệnh.

Theo đó, người bệnh suy tim nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên như rau xanh, ngữ cốc, trái cây tươi… để hỗ trợ tiêu hóa tốt. Đồng thời cần hạn chế các thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm sinh hơi và giàu natri.

Chăm sóc bệnh nhân suy tim như thế nào?

Người bị bệnh suy tim cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt, để hạn chế được tình trạng chuyển biến xấu. Do đó, bạn cần phải có kế hoạch chăm sóc người bệnh suy tim thật chi tiết, cụ thể là:

Người bệnh cần đi thăm khám thường xuyên
Người bệnh cần đi thăm khám thường xuyên

+ Theo dõi: Người bị bệnh suy tim cần phải được theo dõi mạch, nhịp tim, ECG, nhiệt độ, huyết áp, lượng nước tiểu, tình trạng tinh thần.

+ Tư thế nằm: Tư thế nửa nằm nửa ngồi là tư thế phù hợp và thoải mái nhất cho người bệnh suy tim.

+ Vận động: Bệnh nhân suy tim tuyệt đối không được hoạt động, vận động quá sức, hãy nghỉ ngơi ở giường, có thể xoa bóp và làm một số động tác nhẹ nhàng, đặc biệt là hai chi dưới giúp giảm bớt nguy cơ gây tắc mạch.

+ Chế độ dinh dưỡng: Thiết lập chế độ ăn khoa học, đối với suy tim độ I, độ II cần có chế độ ăn nhạt, lượng muối ăn dưới 2 g/ngày. Tuy nhiên với người suy tim độ III và độ IV lượng muối ăn dưới 0,5 g/ngày. Bên cạnh đó, người bệnh cần ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin và các chất khác, giúp tăng sức đề kháng. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế nước uống, lượng nước đưa vào căn cứ vào lượng nước tiểu hàng ngày nhằm giảm các triệu chứng. Đặc biệt là phải tránh xa các chất kích thích có cồn như rượu, bia… bởi chúng sẽ làm cho bệnh có tiến triển xấu.

+ Thuốc uống: Bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ.

+ Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Các điều dưỡng viên cần chú ý, quan sát và phát hiện những triệu chứng trầm cảm và suy giảm nhận thức thường gặp ở bệnh nhân suy tim. Từ đó có thể báo ngay với bác sĩ điều trị để có hướng xử lý phù hợp.

Qua đây có thể thấy, quy trình chăm sóc bệnh nhân suy tim càng chi tiết thì sẽ giúp điều dưỡng viên và người nhà dễ dàng hơn trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Người học càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh tim lúc già càng thấp

Khảo sát của các nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy thời gian đến trường có thể ảnh hưởng tỷ lệ mắc bệnh tim. Cứ thêm một năm học trung học, nguy cơ mắc bệnh giảm 2,5%.

TIN MỚI NHẤT