23 tuổi mắc ung thư vú vì 2 thói quen khó bỏ của nhiều người trẻ

Sức khỏe 22/10/2023 07:30

Những thói quen sinh hoạt không khoa học cùng chế độ ăn uống không lành mạnh hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân gây ra ung thư vú ở người trẻ.

Những ngày qua, tại Trung Quốc đang xôn xao câu chuyện người phụ nữ họ Lưu sinh sống tại Chiết Giang mắc ung thư vú khi chỉ mới 23 tuổi. Sự việc khiến nhiều người bất ngờ và lo lắng vì sự trẻ hóa của căn bệnh này.

23 tuổi mắc ung thư vú vì 2 thói quen khó bỏ của nhiều người trẻ - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Theo đó, hơn một năm trước, khi đi khám sức khỏe, cô phát hiện bản thân có một khối u kích thước khoảng 1cm ở ngực phải. Vào thời điểm đó, khối u này được chẩn đoán là u xơ tuyến vú và được bác sĩ yêu cầu kiểm tra định kỳ.

"Lúc đầu tôi hơi sợ nhưng sau khi nghe nói đây là khối u lành tính nên khá yên tâm và đã bỏ qua.", cô Lưu cho biết. Cách đây không lâu, khi đi tắm, cô Lưu có cảm giác khối u ngày càng lớn nên đến kiểm tra lại. Kết quả phát hiện ung thư vú.

Sau khi loại trừ một số yếu tố di truyền và những nguyên nhân khác, bác sĩ cho rằng bệnh ung thư vú của cô Lưu có liên quan đến những thói quen sinh hoạt không tốt. Do tính chất công việc bận rộn nên hầu như ngày nào cô Lưu cũng gọi đồ ăn sẵn hoặc thực phẩm siêu chế biến. Ngoài ra, mỗi ngày cô gái này cũng đặt trà sữa, cà phê và các đồ uống ngọt tới văn phòng. Bên cạnh đó, cô gái 23 tuổi này có thói quen thức khuya kể cả những ngày không bận.

Phó khoa phẫu thuật, Bệnh viện nhân dân tỉnh Chiết Giang, Lý Vĩnh Phong (Trung Quốc) cho biết, dù cơ chế bệnh của khối u ác tính ở phụ nữ có liên quan đến nhiều yếu tố nhưng cũng liên quan chặt chẽ đến thói quen sinh hoạt.

Các nghiên cứu liên quan đã phát hiện rằng, các tế bào ung thư vốn có sẵn trong cơ thể người, ban đầu ở trạng thái khởi động, chỉ khi bị kích thích mới nhanh chóng sinh sôi và phát triển thành bệnh. Chẳng hạn như uống quá nhiều đồ có gas, dầu mỡ và protein cũng như những thói quen sinh hoạt không tốt như thức khuya, mệt mỏi... đều là "chất kích thích" tế bào ung thư phát triển.

May mắn, sau khi được phẫu thuật, cô Lưu vẫn đang phục hồi tốt. Tuy nhiên, sự việc này được xem là hồi chuông cảnh báo cho người trẻ.

Thông thường, ung thư vú có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở độ tuổi từ 45 đến 55. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các cô gái trẻ hoàn toàn an toàn. Phụ nữ hiện đại có nhịp sống hối hả, áp lực công việc cao, gánh nặng tinh thần quá mức, ít vận động, cộng với những nguyên nhân toàn diện như lịch trình sinh hoạt thất thường dẫn đến rối loạn nội tiết, việc ung thư vú xảy ra ở độ tuổi 20 không phải là hiếm.

23 tuổi mắc ung thư vú vì 2 thói quen khó bỏ của nhiều người trẻ - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Làm gì để ngăn ngừa ung thư vú?

Các yếu tố gây ra ung thư vú có thể chia thành yếu tố bẩm sinh (nồng độ hormone, di truyền...) và các yếu tố nguy cơ về lối sống thường ngày. Do đó, có thể giảm nguy cơ ung thư vú thông qua lối sống lành mạnh hơn.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục lâu dài có thể tạo ra môi trường ức chế ung thư trong cơ thể, giảm tỷ lệ mắc ít nhất 13 loại ung thư. Hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y sinh Los Angeles (Mỹ) chỉ ra, những phụ nữ đi bộ nhanh 1 - 2 giờ mỗi tuần giảm 18% nguy cơ ung thư vú.

Hình thức hoạt động không nhất thiết là phải tập gym, có thể khiêu vũ, chơi trò chơi với con cái, chơi bất cứ một môn thể thao tốt cho nhịp tim.

Thói quen ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, tăng sức đề kháng ngăn ngừa sự xâm nhập của các tác nhân gây hại vào cơ thể. Để giảm nguy cơ mắc ung thư vú hay các loại ung thư khác, mỗi người nên duy trì lượng thịt đỏ không quá 113,4g mỗi ngày. Tránh các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích và thịt xông khói.

Ngoài ra, phụ nữ nên ăn nhiều rau và hoa quả. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ ăn nhiều rau hoặc trái cây hơn có thể giảm nhẹ tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú. Ví dụ, phụ nữ ăn nhiều rau như súp lơ, bắp cải và bông cải xanh có thể làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tái phát của ung thư vú.

Vitamin C, carotenoid và polyphenol trong những loại rau này có thể có tác dụng chống ung thư quan trọng. Mỗi người nên tiêu thụ 300 - 500g rau và 200 - 350g trái cây tươi mỗi ngày.

23 tuổi mắc ung thư vú vì 2 thói quen khó bỏ của nhiều người trẻ - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

Bỏ uống rượu

Phụ nữ uống 2 - 5 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 1,5 lần phụ nữ không uống rượu.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị, để ngăn ngừa ung thư vú, phụ nữ nên từ bỏ rượu hoặc không uống quá một ly đồ uống có cồn mỗi ngày.

Theo đó, nếu vẫn muốn uống, bạn chỉ nên dùng khoảng 350 ml bia, 150 ml rượu vang hoặc 44 ml rượu chưng cất 80 độ (rượu mạnh) mỗi ngày.

Bỏ hút thuốc

Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Saint Louis (Mỹ), hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, cũng như nguy cơ tái phát ung thư này. Hít phải khói thuốc thụ động cũng được cho là góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Phụ nữ không hút thuốc, bỏ và tránh khói thuốc là cách hữu hiệu ngăn ngừa ung thư vú và bệnh khác.

Sàng lọc ung thư vú

Việc sàng lọc trở nên đặc biệt quan trọng, đặc biệt đối với phụ nữ từ 40 đến 74 tuổi và những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Mỗi phụ nữ nên tự kiểm tra thường xuyên ngực của mình để có thể phát hiện kịp thời các vấn đề.

Ngoài việc tự kiểm tra, các phương pháp được khuyến nghị chính thức là chụp nhũ ảnh (mammography) và chụp cộng hưởng từ.

Khi thấy có dấu hiệu bất thường như u vú, tiết dịch núm vú, hạch nách to,… thì đừng tự ý phán xét hay lo lắng mà hãy đến các trung tâm y tế để có được sự hướng dẫn từ bác sĩ, chuyên gia.

 (Theo Toutiao)

Duy trì lối sống lành mạnh, người phụ nữ bàng hoàng nhận tin mắc ung thư vú: Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu thường bị bỏ qua

Người phụ nữ đã duy trì lối sống lành mạnh, không có một dấu hiệu khó chịu hay đau đớn gì cảnh báo đang có khối u ác tính trong cơ thể.

TIN MỚI NHẤT