Tiến dùng kiến thức dược sĩ của mình để tự tạo ra công thức các sản phẩm. Khi mua dược liệu từ các nguồn khác nhau ở trong nước, anh ta giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang và đóng gói thành thực phẩm chức năng 'nhập ngoại'.
- Hãi hùng cảnh bên trong cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả ở Bắc Giang: Choáng với nguyên liệu, công cụ, vỏ chai lọ không rõ nguồn gốc
- Danh sách mỹ phẩm giả trong đường dây vừa bị triệt phá: Có kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn, lăn khử mùi
Theo thông tin từ VnExpress, ngày 17/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đang tạm giữ Phạm Ngọc Tiến, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm và Nguyễn Hữu Tuấn để điều tra về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, vợ chồng Tiến, Nguyệt lập nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế. Tiến chỉ đạo kế toán Yến lập 17 công ty, trong đó 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty phân phối hàng trong nước.

Thời gian đầu, Tiến nhập các loại thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất về phân phối trong nước. Thấy bán được nhiều hàng, anh ta nảy sinh ý định tự sản xuất, gia công rồi lợi dụng thương hiệu nước ngoài để bán.
Tiến dùng kiến thức dược sĩ của mình để tự tạo ra công thức các sản phẩm. Khi mua dược liệu từ các nguồn khác nhau ở trong nước, anh ta giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang và đóng gói thành thực phẩm chức năng "nhập ngoại".
Các nguyên vật liệu được chuyển về xưởng sản xuất hàng giả do Tiến thành lập tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Anh ta cũng thành lập Công ty in Âu Việt đặt tại Vĩnh Phúc, chuyên để in màng nhôm ép vỉ sản phẩm.
Vỏ lọ do Nguyệt đặt in, mua trên mạng. Tem nhãn phụ được Tiến và Nguyệt thuê người dán tại xưởng ở Hưng Yên và kho hàng tại 114 Xa La, Hà Đông, Hà Nội.
Nhằm giữ thương hiệu và lấy giấy tờ hợp pháp khi bị kiểm tra, nhóm này vẫn nhập khẩu các loại thực phẩm. Hàng giả sản xuất được bán ra các hiệu thuốc, bệnh viện trên toàn quốc.

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 7/5, sau khoảng 1 năm theo dõi, thu thập chứng cứ, tài liệu, Công an Hà Nội quyết định phá án và đồng loạt khám xét khẩn cấp gần 20 điểm liên quan đến ổ nhóm này, là nơi sản xuất, gia công, cất giấu, tiêu thụ hàng hóa rải rác trên 20 tỉnh thành trong toàn quốc.
Công an TP Hà Nội đã thu giữ được hơn 28.500 hộp thực phẩm chức năng; gần 35.000 lọ thực phẩm chức năng; gần 39.000 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả, với khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau.
Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và bán trên tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.