Điều gì sẽ xảy ra với sức khỏe khi bạn ăn tôm?

Dinh dưỡng 03/02/2024 10:19

Tôm là một trong những loại thủy hải sản phổ biến ở Việt Nam, không chỉ ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

1. Tôm cung cấp protein dồi dào

Trong 85 gram tôm nấu chín, bạn sẽ nhận được tới 20 gram protein - tương đương 40% giá trị khuyến nghị hàng ngày (DV).

Thêm vào đó, lượng calo chỉ vỏn vẹn 84 calo.

Protein trong tôm có thể giúp bạn no lâu hơn, điều này rất quan trọng cho việc kiểm soát cân nặng và cung cấp năng lượng cho việc tập luyện.

2. Tôm cung cấp khoáng chất có lợi

Nhiều lợi ích về sức khỏe của tôm là nhờ các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm này.

"Tôm là một loại thủy hải sản dễ chế biến, ít calo, cung cấp iod, phospho, kẽm và magie", chuyên gia dinh dưỡng Lisa Andrews, chủ sở hữu Sound Bites Nutrition tại Cincinnati, Ohio (Mỹ) cho biết.

Đây là những khoáng chất rất quan trọng, cần thiết cho cơ thể.

Ví dụ, kẽm có lợi cho hệ miễn dịch, và magiê có lợi nhiều mặt, từ sức khỏe xương đến huyết áp.

3. Tôm tốt cho sức khỏe tim mạch

Bên cạnh đó, tôm cung cấp axit eicosapentaenoic (EPA) và docosahexaenoic (DHA) chống viêm, cả hai đều là axit béo omega-3.

Tăng lượng axit omega-3 này có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, theo nghiên cứu đăng trên Mayo Clinic Proceedings.

Một nghiên cứu khác trên Mayo Clinic Proceedings cho rằng ăn tôm có thể góp phần vào việc cải thiện các chỉ số mỡ máu, theo chuyên gia dinh dưỡng Aubrey Redd, chủ sở hữu Aubrey Redd Nutrition tại King of Prussia, Pennsylvania (Mỹ).

Các tác giả nghiên cứu cho biết ăn tôm có thể góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim so với những người không ăn.

4. Tôm có thể thúc đẩy sức khỏe não bộ

Một trong những lợi ích hàng đầu khác của tôm là astaxanthin, một chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ chống lại tổn thương do gốc tự do.

Chuyên gia dinh dưỡng Anya Rosen tại New York (Mỹ) cho biết: "Điều này có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như Alzheimer và Parkinson."

"Đặc tính chống viêm của astaxanthin cũng đã được chứng minh là có lợi cho bệnh tiểu đường, đường ruột, thận, da và mắt."

5. Tôm tốt cho thai nhi

Ăn hải sản trong thời kỳ mang thai có thể đặc biệt có lợi cho thai nhi.

Chuyên gia dinh dưỡng Andrews cho biết: "Hải sản đã được chứng minh là có lợi trong thời kỳ mang thai cho sự phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh. Điều này xảy ra với chỉ 113 gram mỗi tuần."

Tôm nằm trong danh mục "lựa chọn tốt nhất" về hải sản dành cho phụ nữ đang chuẩn bị mang thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú - cũng như trẻ nhỏ - theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

6. Tôm tốt cho bệnh tuyến giáp

Tôm là một thực phẩm lành mạnh cho những người mắc bệnh tuyến giáp, vì nó cung cấp iod và selen, hai khoáng chất cần thiết cho chức năng tuyến giáp.

Cả iod và selen đều là những khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển và hoạt động tối ưu, theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH).

Giá trị dinh dưỡng của tôm

Dưới đây là thông tin dinh dưỡng trong 85 gram tôm.

  • Calo: 84,2

  • Protein: 20,4 gram

  • Sắt: 0,433 mg

  • Phospho: 201 mg

  • Kali: 220 mg

  • Kẽm: 1,39 mg

  • Magie: 33,2 mg

  • Natri: 94,4 mg

Những lưu ý khi ăn tôm

Mặc dù tôm có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng bạn cũng cần chú ý một số điều sau khi ăn tôm.

Phương pháp chế biến: Tôm chiên ngập dầu bổ sung chất béo và calo không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy chọn hấp, nướng để tốt cho sức khỏe hơn.

Hàm lượng thủy ngân: Tôm có chứa một lượng nhỏ thủy ngân, một kim loại nặng có thể gây hại ở liều lượng cao. Hãy chọn tôm từ những khu vực có hàm lượng thủy ngân thấp hơn, chẳng hạn như tôm nuôi ở trang trại. Phụ nữ mang thai và cho con bú nên hạn chế ăn tôm ở mức 2 khẩu phần mỗi tuần.

Cholesterol: Tôm có hàm lượng cholesterol cao hơn một số loại hải sản khác. Trong 85 gram tôm có chứa khoảng 161 mg cholesterol (54% giá trị khuyến nghị hàng ngày). 

Dị ứng tôm: Dị ứng tôm là một loại dị ứng thực phẩm phổ biến. Những người bị dị ứng tôm có thể bị sốc phản vệ nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng khi ăn tôm.

(Theo The Healthy, Healthline)

4 bước thực hành để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong căn bếp

Bếp là khu vực thường chế biến đồ sống, vi khuẩn từ thực phẩm sống rất dễ xâm nhập và sinh sôi trong môi trường ẩm ướt của bếp hoặc nhiễm chéo từ thức ăn sống vào thức ăn chín gây ra những bệnh về đường tiêu hoá, gây ngộ độc thực phẩm.

TIN MỚI NHẤT