Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban thông thường

Chăm sóc con 30/06/2019 05:30

Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban thông thường

Sốt phát ban thông thường do các virut gây bệnh đường hô hấp hoặc đa phần do virut Rubella gây ra, lành tính, không nguy hiểm. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut sởi gây nên. Virut này có tính lây truyền cao nên dễ gây thành dịch. Sởi truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua những giọt nước bọt do người bệnh thải ra khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh rất dễ lây truyền ở những nơi tập trung nhiều trẻ em. Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu có biến chứng nặng nghiêm trọng thì có thể dẫn tới tử vong.

Phân biệt các dấu hiệu của bệnh sốt phát ban và nốt sởi Bệnh sởi phát triển biểu hiện qua 4 giai đoạn. Cụ thể:

Giai đoạn ủ bệnh: Trong khoảng thời gian 10-12 ngày, người bệnh sẽ không có triệu chứng gì, nhưng đến ngày thứ 9-10 thì sẽ có dấu hiệu sốt nhẹ.

Giai đoạn khởi phát: Diễn ra trong 4-5 ngày, đây là khoảng thời gian dễ lây lan, với các biểu hiện rõ rệt như sốt, mệt mỏi, đau cơ khớp, nhức đầu liên miên. Các tình trạng viêm bắt đầu như viêm ở mắt, chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng lên; viêm ở mũi gây hắt hơi, sổ mũi, giọng khàn, ho có đờm; viêm đường tiêu hóa gây tiêu chảy...

Giai đoạn phát ban nốt sởi: Hiện tượng các nốt sởi bắt đầu ở sau tai, lan dần sang hai bên má, cổ, xuống ngực, sang hai cánh tay. Trong 24 giờ kế tiếp, nốt sởi lan rộng ra lưng, hông, xuống chân dưới với tình trạng màu hồng nhạt, nhưng sau đó sẽ đổ dần lên. Thậm chí các nốt sởi lan nhanh, kín thân thể và bắt đầu gây ngứa cho người bệnh, tăng nhiệt độ thân thể gây nóng, khó chịu.

Giai đoạn phục hồi: Kết thúc 3 giai đoạn trên, các nốt sởi dần biến mất và để lại những nốt thâm đen, vết hằn trên da. Bệnh sởi có tính chất lành tính nhưng nếu không biết kiêng khem và điều trị đúng cách thì biến chứng để lại khá nặng nề cho người bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em mắc sởi.

Ở giai đoạn phát ban nốt sởi, có thể dễ dàng phân biệt sởi và phát ban bằng cách:

Ở giai đoạn phát ban, nếu trẻ chỉ bị sốt phát ban thông thường, sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, nhức đầu, sưng hạch kéo dài từ 1-7 ngày. Những nốt ban màu hồng mịn, bắt đầu từ mặt và nhanh chóng lan xuống thân, sau đó xuống cánh tay và chân trước trước khi biến mất. Ban tồn tại từ 1-5 ngày, nhưng thường gặp nhất là 3 ngày. Sau khi ban bay đi thường không để lại dấu tích trên bề mặt da. Trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước phát ban và trong lúc phát ban là thời gian mà người bệnh có khả năng lây bệnh cao nhất.

Còn nếu là phát ban do sởi lại có những đặc điểm đặc trưng như: Ban xuất hiện theo thứ tự: lúc đầu từ ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da, gọi là dấu hiệu “vằn da hổ”. Đặc biệt trẻ bị nhiễm sởi thường có 1 trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban thông thường - Ảnh 1

Sởi và sốt phát ban là hai bệnh khác nhau nhưng có biểu hiện ban đầu tương đồng.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Sởi gây ra những biến chứng nặng nề hơn so với sốt phát ban. Nếu sốt phát ban hầu hết đều lành tính, người bệnh được chăm sóc đúng cách sẽ trở về trạng thái tự khỏi sau 5-7 ngày mà không hề có bất kỳ các biến chứng gì. Nốt sởi nếu không được chăm sóc kỹ và đúng cách thì sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm về sau, đặc biệt là đối với đối tượng mắc là trẻ em.

Các biến chứng của bệnh sởi: Sự nguy hiểm của bệnh sởi dễ xảy ra với những biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não, nhiều khi dẫn đến tử vong. Trẻ em là đối tượng nhiễm bệnh dễ dàng và có thể xuất hiện những biến chứng nặng nề. Hầu hết trường hợp tử vong khi bị bệnh sởi thường không do virut sởi gây ra mà do những biến chứng.

Cách chăm sóc khi trẻ mắc sởi

Đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ, trẻ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà. Trẻ cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ ngơi, khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm để bảo vệ đường tiêu hóa của trẻ, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang. Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách bổ sung cho trẻ chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và tăng cường vitamin A để bảo vệ mắt cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc Đông y cho con, mà phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, mẹ cũng không nên tin vào các quan niệm dân gian như kiêng tắm, kiêng gió mà nên thường xuyên dọn dẹp phòng bé sạch sẽ, thông thoáng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, ban sởi lặn hết mà vẫn sốt, có dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt,... mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị tránh các biến chứng nguy hiểm.

Phòng bệnh sởi như thế nào?

Biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin và tiêm nhắc lại mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Việc mẹ chỉ cho trẻ tiêm phòng một mũi vắc-xin duy nhất không đủ để tạo miễn dịch bền vững, khi này, trẻ chỉ có khả năng phòng bệnh 90%, tức là trong 100 trẻ tiêm phòng 1 mũi vắc-xin phòng sởi, có đến 10 trẻ vẫn bị mắc sởi. Tuy nhiên, khi mẹ cho trẻ tiêm nhắc lại lần thứ 2 có thể tạo miễn dịch cho trẻ tới 99%.

Có thể cho trẻ tiêm chủng vắc-xin ngừa 3 bệnh Rubella, sởi, quai bị bằng mũi 3 trong 1 theo thời gian: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm trong độ tuổi từ 4-6 tuổi. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản để phòng sởi chỉ cần tiêm một liều duy nhất, tuy nhiên cần lưu ý chỉ được có thai sau khi tiêm vắc-xin ít nhất 3 tháng.

Ngay từ 13 tháng tuổi, cha mẹ hãy dạy điều này để giáo dục giới tính cho con trước khi quá muộn

Bắt đầu từ lúc 13 tháng tuổi, cha mẹ đã có thể bắt đầu giáo dục giới tính cho con và đừng bỏ qua điều quan trọng này.

TIN MỚI NHẤT