Bão số 16 - Tembin mang sóng biển cao 10 m ập vào quần đảo Trường Sa

Tin nóng 24/12/2017 16:59

Chiều tối 24/12, sóng biển cao 10 m nhiều khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết lúc 15h ngày 24/12, tâm bão số 16 (tên quốc tế Tembin) ở cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm đạt cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. 

Ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn gió tiếp tục mạnh lên với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Sóng biển cao 10 m ập vào Trường Sa
Chiều tối nay, bão duy trì cấp độ, di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ nhanh 20-25 km/h với sóng biển cao 10 m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân. Sóng biển cao 10 mét, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão.

Bão số 16 - Tembin mang sóng biển cao 10 m ập vào quần đảo Trường Sa - Ảnh 1
Đưa ngư dân vào đảo Song Tử Tây tránh, trú bão số 16. Ảnh: Đào Phương Chi.

Trưa 24/12, ông Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết do ảnh hưởng của bão số 16 - Tembin, khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa đang có gió rất mạnh.

Ngay khi có thông báo bão, hàng trăm ngư dân dưới sự chỉ huy, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa đã vào tránh trú bão an toàn.

Theo ông Dương, tại đảo Song Tử Tây, tính đến 8h ngày 24/12, đã có 14 tàu cá với 100 ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi vào âu trú bão an toàn. Đảo đã hỗ trợ 5 bộ đồ áo, 50 ngày ăn, 5 khối nước ngọt, 50 kg rau xanh các loại, thăm khám sức khỏe và cấp thuốc cho bà con.

Tại đảo Đá Tây, hiện đã có 20 tàu cá với hơn 133 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa vào tránh trú bão. Quân y của đảo đã thăm khám, cấp thuốc, đồng thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân.

Bão số 16 - Tembin mang sóng biển cao 10 m ập vào quần đảo Trường Sa - Ảnh 2
Hướng di chuyển của bão số 16. Ảnh: NCHMF.

Còn tại đảo Sinh Tồn, 8 tàu của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, với hơn 97 ngư dân đang tránh trú bão số 16. Sau vào đảo, các thuyền viên đã được hướng dẫn neo đậu tàu trong âu bão đảm bảo an toàn. Tại đảo Trường Sa cũng có 3 tàu cá và 27 ngư dân các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh Khánh Hòa tránh trú.

“Hiện tại, các đảo tích cực chuẩn bị, tiếp tục bám sát mọi diễn biến của bão số 16 để có những sự hướng dẫn, giúp đỡ thiết thực cho bà con ngư dân”, ông Dương thông tin thêm.

Bão có thể giật cấp 13 lúc đổ bộ
Trưa 25/12, tâm bão dự kiến cách Côn Đảo 140 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ở cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 m.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 100 km tính từ vùng tâm bão.

Bão số 16 - Tembin mang sóng biển cao 10 m ập vào quần đảo Trường Sa - Ảnh 3
Ảnh vệ tinh lúc 16h ngày 24/12 cho thấy vùng tâm bão đang nằm ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: NCHMF.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25 km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13.

Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.

Cơ quan khí tượng cảnh báo trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to. Từ đêm 25/12, các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan. Bão có nhiều loại, nhưng ở Việt Nam, thuật ngữ "bão" thường được hiểu là bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là một trong các phân loại của xoáy thuận nhiệt đới, đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn. Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão. Ở nước ta, mùa bão thường bắt đầu từ miền Bắc vào tháng 5,6 và di chuyển vào miền Nam cho đến hết tháng 12. Ba tháng 9,10 và 11 thường có nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm có từ 4 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển nước ta.

Bạn có biết: Trên thế giới, bão thường mang tên phụ nữ và sau này cả tên nam giới, xoay vòng theo chu kỳ 6 năm (khi một cơn bão gây thiệt hại lớn, tên của nó sẽ được loại bỏ ra khỏi hệ thống đặt tên). Khu vực tây bắc Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), bão có nhiều tên mới lạ của hoa lá, động vật, chim, thậm chí cả món ăn như Trami, Halong, Damrey (Con voi), Saola...

Đêm nay, bão Tembin giật cấp 15 đi vào biển Đông

Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, trong đêm nay (23/12), bão Tembin sẽ vượt qua đảo Palawan (Philippines) để đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 16 trong năm nay.

TIN MỚI NHẤT